Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu, từng centimet trong trường, lãnh đạo nhà trường phải hình dung, sắp xếp, quản lý học sinh từng lớp trong khuôn viên trường. Trường phải truyền thông, tập huấn, hướng dẫn để dần hình thành thói quen cho học sinh. Các em sẽ hiểu lớp mình di chuyển ở đâu, được sinh hoạt, vui chơi ở không gian nào…
Hoạt động giáo dục mỗi đơn vị phải căn cứ theo vùng dịch và đặc thù đơn vị
Yêu cầu này được ông Dương Trí Dũng nêu ra tại cuộc họp giao ban công tác triển khai các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 do Sở GD-ĐT TP tổ chức sáng 17-12.
“Bình thường mới” phải khác với “bình thường cũ”
Qua 1 tuần TP thí điểm tổ chức cho học sinh khối 9, 12 trở lại trường học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng đánh giá, đa phần các đơn vị đã tổ chức rất hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống dịch, an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường.
Lãnh đạo Sở nhìn nhận, khi học sinh trở lại trường, thầy cô phải thực hiện song song công tác giáo dục trực tiếp, luôn sẵn sàng tâm thế chuyển đổi trạng thái, đồng hành công tác phòng chống dịch tại trường, vừa duy trì kênh hỗ trợ học sinh chưa đến trường được. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, rất cần sự thấu hiểu của lãnh đạo nhà trường. Nhà trường phải thường xuyên quán triệt nội dung này nhưng không gây áp lực cho đội ngũ, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Tuỳ thực tế của mỗi đơn vị để tính toán, sáng tạo cách thực hiện. Cốt lõi cần nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của TP, của Sở GD-ĐT, Sở Y tế qua các văn bản, nhất là trong việc xử lý các tình huống phát sinh.
““Bình thường mới” không gây áp lực cho học sinh, giáo viên nhưng phải có kế hoạch hết sức cụ thể để thực hiện. Cần tuyệt đối tránh tình trạng các hoạt động trong trường như “bình thường cũ””, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Phân tích thêm, ông Dũng cho hay, mỗi cơ sở giáo dục phải xác định được “an toàn” trong tình hình mới. Trong đó, phải chủ động trong công tác tổ chức đi học lại, công tác phòng chống dịch; chủ động theo dõi, phát hiện ca nhiễm, nghi nhiễm; tổ chức phối hợp với y tế địa phương thực hiện các bước xử lý ca nhiễm trong nhà trường, đảm bảo quy định, hướng dẫn của ngành y tế, chủ động trong mọi tình huống. Với học sinh, nhà trường phải thường xuyên làm công tác tư tưởng, đảm bảo tâm lý ổn định cho các em khi quay trở lại trường, khi trong lớp có ca nhiễm.
Công tác truyền thông phải được làm thường xuyên
Nhấn mạnh nguyên tắc khi mở cửa trường học an toàn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng yêu cầu nhà trường phải theo dõi từng đối tượng một cách cụ thể để khi phát sinh vấn đề biết cách xử lý, tầm soát được các đối tượng liên quan. Làm sao từng centimet trong trường, lãnh đạo nhà trường phải hình dung, sắp xếp, quản lý học sinh từng lớp trong khuôn viên trường. Trường phải truyền thông, tập huấn, hướng dẫn để dần hình thành thói quen cho học sinh. Các em sẽ hiểu lớp mình di chuyển ở đâu, được sinh hoạt, vui chơi ở không gian nào…
“Công tác truyền thông trong nhà trường phải thường xuyên thực hiện. Với đội ngũ để thầy cô nắm bắt được các hoạt động cụ thể trong phòng chống dịch. Với phụ huynh về công tác phối hợp giữa nhà trường, địa phương khi tổ chức cho con em đi học, để phụ huynh biết lúc nào thì phải phối hợp với địa phương, lúc nào cần báo cáo phối hợp với nhà trường”, ông đề nghị.
Tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch cho học sinh khi trở lại trường
Đặc biệt, theo ông Dũng, phải truyền thông thường xuyên trong học sinh để các em có kiến thức và những nội dung phòng chống dịch đi sâu vào ý thức của các em khi sinh hoạt tại trường, phải định hướng cho các em không thể sinh hoạt một cách tự do trong nhà trường. Muốn như vậy, lãnh đạo nhà trường phải có kế hoạch cụ thể đến từng đơn vị lớp học, từng GVCN, từng thầy cô để hướng dẫn cho học sinh. Làm sao, khi xảy ra vấn đề thì khoanh vùng, xử lý một cách nhỏ nhất.
Nhắc lại yêu cầu về việc an toàn tới đâu thì hoạt động dạy và học phù hợp đến đó, ông Dương Trí Dũng lưu ý các đơn vị không rập khuôn trong tổ chức các hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng quận, huyện. Cạnh đó, tuỳ theo địa bàn, theo mật độ nhà trường có kế hoạch riêng khi tổ chức. Đồng thời, phải sáng tạo, chủ động sắp xếp thời khoá biểu phù hợp để cơ sở vật chất nhà trường đảm bảo có độ dữ trữ nhất định về phòng cách ly, dự phòng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP đề nghị lãnh đạo các phòng GD-ĐT làm thường trực với Ban chỉ đạo quận huyện về công tác đi học trực tiếp tại địa phương. Thủ trưởng các đơn vị trường học phải tập trung quán triệt kế hoạch đi học trực tiếp của quận, huyện, đồng thời quán triệt các quy định về an toàn phòng chống dịch của TP, của Sở GD-ĐT và các quy định của ngành y tế với công tác phòng chống dịch tại đơn vị. Công tác này phải làm thường xuyên, đảm bảo tất cả thành viên trong nhà trường đều hiểu rõ nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch.
“Các khó khăn của đơn vị Sở GD-ĐT đã ghi nhận và sẽ báo cáo UBND TP để có hướng xử lý, đặc biệt là báo cáo UB để nhà trường có nguồn sinh phẩm xét nghiệm trong thời gian tới, đảm bảo hoạt động lâu dài cho các nhà trường, ổn định cho học sinh đi học trở lại. Nhất là khi tổ chức cho học sinh các khối lớp khác đi học trực tiếp trong thời gian tới”, ông Dương Trí Dũng nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)