Mô hình khởi nghiệp của sinh viên hiện nay cần đặt trong bối cảnh có dịch Covid-19 để chủ động chuẩn bị phương án xử lý rủi ro, không vì ảnh hưởng dịch bệnh mà chững lại hoặc phá sản trước khi được đưa vào thực tế.
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến làm việc nhóm trong một hoạt động khởi nghiệp cấp trường
Ông Mã Thanh Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, chuyên gia đào tạo về khởi nghiệp và quản trị rủi ro) đã nhắn nhủ điều này với sinh viên tại chương trình tọa đàm trực tuyến “Chiến lược startup chinh phục cơn hoảng loạn – Lựa chọn một con đường” do Trường ĐH Văn Hiến vừa tổ chức.
Mô hình khởi nghiệp cần thắng được dịch Covid-19
Mở đầu chương trình tọa đàm, ông Mã Thanh Danh đã nhấn mạnh với các sinh viên, bước vào con đường khởi nghiệp, người trẻ sẽ phải trả lời hàng loạt câu hỏi quan trọng như: Chọn bắt đầu khởi nghiệp hay làm công việc mơ ước; thời điểm này khởi nghiệp phù hợp không; khởi nghiệp tại công ty khác hay tự lập công ty riêng; thực thi mô hình khởi nghiệp ra sao và điều quan trọng nhất là chinh phục nhà đầu tư gọi vốn như thế nào; trong trường hợp gặp thất bại, làm sao biến thất bại này thành “mẹ thành công” và học được gì sau thất bại?… Ông Danh cũng khuyến khích giới trẻ, ngay cả khi thất bại thì hãy nuôi lớn khát khao khởi nghiệp, đừng chỉ biết dừng lại ở giấc mơ mà hãy thực thi giấc mơ đó. Bởi vì không phải mô hình khởi nghiệp nào cũng đều thành công. Bản thân ông thích làm việc cùng và đánh giá cao những người từng khởi nghiệp, dù có thất bại. Một trong những lý do là những người đó có tư duy làm chủ, biết cách làm và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, ông Danh nhìn nhận, đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Phần lớn doanh nghiệp hiện nay đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khủng hoảng bởi đại dịch này cũng tạo ra những cơ hội tiềm ẩn, nếu biết tận dụng, người trẻ có thể khởi nghiệp thành công. Theo đó, khi bắt đầu, người trẻ nên chọn một chiến lược khởi nghiệp tinh gọn và dễ thực thi. Quá trình khởi nghiệp cơ bản thường trải qua các bước: Hình thành ý tưởng; đánh giá tính hiệu quả khả thi của dự án; ra sản phẩm mẫu (có kiểm chứng trước tính ưu việt, tính đột phá, mới lạ, sức cạnh tranh…); tiến tới thử nghiệm sản phẩm trên mô hình nhỏ hay thị trường nhỏ. Sau đó tiến hành gọi vốn, phát triển thị trường, mở rộng quy mô, thành lập doanh nghiệp. Song, khác với trước đây, mô hình khởi nghiệp hiện nay cần tính toán trước tình huống gặp dịch Covid-19 để có phương án quản trị rủi ro, tránh phá sản. Muốn như vậy, các bạn trẻ cần chuẩn bị mô hình khởi nghiệp thắng được dịch Covid-19, nghĩa là trong điều kiện dịch bệnh vẫn triển khai, mở rộng được. Đồng thời, mô hình này cần có sự khác biệt và chống chọi được những sức ép của sự thay đổi.
Chi tiết hơn, ông Danh cho biết, mô hình kinh doanh khởi nghiệp thường chú trọng yếu tố khách hàng là ai, có giải quyết nỗi đau thực sự của thị trường không, sản phẩm có phù hợp thị trường hay không, thời điểm ra sản phẩm có phù hợp không. Bên cạnh đó, việc xác định đối thủ là hết sức quan trọng. “Thường những công ty lớn có cả đội ngũ chuyên lùng các ý tưởng khởi nghiệp từ những công ty nhỏ để phục vụ chiến lược cạnh tranh. Chẳng hạn, chọn khởi nghiệp từ sản phẩm cơm kẹp, mang dáng dấp thức ăn nhanh của Việt Nam, phù hợp với giới nhân viên văn phòng thì các bạn trẻ cần tính đến việc xử lý tình huống ra sao khi những công ty lớn cũng tung ra sản phẩm tương tự. Chưa kể, còn xem xét mô hình tài chính của dự án có tính khả thi không, nếu chi phí đưa ra vượt cả doanh thu và “đốt” tiền dài quá sẽ không ổn. Đội ngũ khởi nghiệp cũng cần đa dạng, đầy đủ mới thuyết phục được nhà đầu tư”, ông Danh nhấn mạnh.
Khởi nghiệp du lịch có rủi ro?
Một vấn đề khá thực tế được sinh viên đặt ra là với dịch Covid-19, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất, thời điểm này khởi nghiệp về du lịch sinh thái và du lịch sức khỏe liệu có cơ hội thành công? ThS. Nguyễn Quốc Thệ (Viện Doanh trí Văn Hiến, Hiệu trưởng Trường TC Y dược Vạn Hạnh) cho hay, trong du lịch sức khỏe sẽ có cả du lịch sinh thái. Vì du lịch sức khỏe thường được tổ chức tại những nơi thanh tịnh, yên bình và có kèm theo những hình thức y học giúp du khách thư giãn, phục hồi, tái tạo sức khỏe. Du lịch sức khỏe không đơn thuần là nghỉ dưỡng mà còn được hiểu rộng hơn. Ở phương thức này, có thể tập hợp nhiều khu vườn sinh thái của những người dân lân cận nhau thành một khu tổng thể lớn, lồng vào đó các buổi học về thiền, về cây thuốc nam, các loại rau… Du khách đến đây sẽ rời xa công nghệ để tham gia các buổi trồng cây, bắt cá, gần gũi thiên nhiên… Xu hướng du lịch sức khỏe chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai, nhất là sau những tổn thất về tinh thần sau đại dịch Covid-19, đây sẽ là lĩnh vực có tiềm năng khởi nghiệp.
Dẫn lại thống kê từ một trường ĐH, ông Mã Thanh Danh cho rằng tỷ lệ những sinh viên biết đặt mục tiêu thực hiện cho 5 hoặc 10 năm sau khi ra trường thành công nhiều hơn số sinh viên còn lại. Sinh viên có thể đặt mục tiêu vào 3 công ty mà mình mơ ước được làm trong thời điểm hiện tại và tương lai để tìm hiểu thông tin cũng như tìm kiếm cơ hội làm bán thời gian trước. Những sinh viên từng làm thêm cho công ty nào đó, sau khi nộp đơn ứng tuyển chính thức sẽ dễ được tuyển dụng hơn. Đặc biệt, nếu trải qua những khóa học khởi nghiệp, khi đi làm sẽ được đánh giá cao hơn. |
Trả lời câu hỏi của sinh viên Lưu Thành Đạt (Trường ĐH Văn Hiến) về những rủi ro khi công ty khởi nghiệp nhận vốn đầu tư, ông Mã Thanh Danh chia sẻ, trong quản trị rủi ro, các công ty khởi nghiệp cần biết nhà đầu tư mong muốn gì khi rót vốn vào mô hình khởi nghiệp của mình. Đó thường là mong muốn mô hình khởi nghiệp có sự tăng trưởng nhanh, có sự đổi mới, tuân thủ về quy tắc báo cáo. “Tôi thấy có một số công ty khởi nghiệp nhận vốn đầu tư xong lại dùng làm chuyện khác, hay tranh cãi với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư. Trong khi đó, tính trung thực, tuân thủ đúng cam kết hết sức quan trọng. Nếu có trung thực và làm đúng cam kết mà không thành công, nhà đầu tư vẫn sẵn sàng giúp hoặc rót tiền vòng 2 cho mô hình khởi nghiệp của bạn. Hãy xem đây là cơ hội thể hiện uy tín. Còn nếu bạn cứ dùng vốn cho việc khác sẽ mất uy tín, dẫn đến thất bại mô hình khởi nghiệp”, ông Danh cảnh báo.
Thục Trân
Bình luận (0)