Dịch Covid-19 đã và đang diễn biến khó lường, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghiên cứu phát triển các tài sản trí tuệ và đưa ra thị trường để đáp ứng kịp thời yêu cầu tình hình mới.
Một hoạt động nghiên cứu của sinh viên tại trường ĐH (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)
TS. Đinh Hữu Phí (Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nhận định điều này tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường ĐH, viện nghiên cứu”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Việt Nam 2021” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học – công nghệ, các trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Công nghiệp TP.HCM… tổ chức.
Khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng, liên kết các trường ĐH
TS. Đinh Hữu Phí cho rằng các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu để những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là động lực phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Một trong những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là kết nối, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường ĐH, viện nghiên cứu. Các trường ĐH, viện nghiên cứu chính là cái nôi sáng tạo ra tri thức, công nghệ mới.
Trong chiến lược phát triển trí tuệ quốc gia đến năm 2030 và chương trình phát triển tài sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp, trường ĐH và viện nghiên cứu. Theo đó, nhiệm vụ được đặt ra là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết hợp tác với các trường ĐH, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Việc khai thác, phát triển tài sản trí tuệ từ các viện, trường một mặt sẽ rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí nghiên cứu để tập trung phát triển sản phẩm và thị trường. Mặt khác, việc hợp tác này tạo cơ hội cho các viện nghiên cứu, trường ĐH thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế – xã hội, qua đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.
Cũng theo TS. Phí, đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế từ các trường ĐH, viện nghiên cứu của nước ta ngày càng tăng thêm, chiếm số lượng khá lớn. Tuy nhiên, đơn đăng ký sáng chế từ các trường, viện nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số đơn đăng ký ở cục sở hữu trí tuệ, đây là điều cần lưu tâm. Nguyên do không phải các nhà khoa học không có năng lực sáng tạo mà vì vấn đề cơ chế, chính sách, động lực như thế nào đó. “Cần lưu ý vấn đề này để tìm cách tăng lượng đơn sáng chế trong các viện nghiên cứu, trường ĐH. Trên cơ sở tăng lượng đơn sáng chế thì tăng văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế và có văn bằng này rồi thì phải kết hợp doanh nghiệp khai thác ứng dụng thương mại hóa để góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia”, TS. Phí nói.
Công bố bài báo khoa học thay vì đưa nghiên cứu vào thực tế
PGS.TS Bùi Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức) nhận định trường ĐH, viện nghiên cứu là nơi khởi nguồn sản sinh ra tài sản trí tuệ; đóng vai trò những trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia. Theo thống kê, trên 80% nhân lực khoa học – công nghệ đang làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông Dũng, vai trò của các trường ĐH đối với đổi mới sáng tạo ở nước ta vẫn còn hạn chế; công tác nghiên cứu khoa học nhất là những vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức ở một số trường. Các cơ chế liên quan đến chính sách nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực tiễn. Mức chi cho sự nghiệp khoa học – công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp và dàn trải ở các bộ, ngành, địa phương; chưa tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, then chốt. Nhiều trường ĐH chưa thực sự quan tâm và nhận thức tầm quan trọng, hiệu quả của việc liên kết hợp tác doanh nghiệp trong tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu. Nhiều tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học chưa chủ động tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hiện hằng năm có rất nhiều đề tài khoa học công nghệ được nghiệm thu, rất nhiều quy trình công nghệ sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ còn phức tạp, việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ còn chưa thống nhất, do đó nhiều nhà khoa học lựa chọn công bố bài báo khoa học mà không tính đến việc khai thác tài sản trí tuệ lâu dài.
Đồng tình, PGS.TS Đàm Sao Mai (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) chỉ ra hiện tại các trường, viện nghiên cứu có nhiều nghiên cứu làm xong để đó mà không được triển khai ra thực tế. Nguyên do các nhà nghiên cứu chưa thực sự có động lực, nhiều nhà khoa học chọn lựa công bố bài báo vì tính nhanh chóng và tiện lợi. Thủ tục đăng ký sáng chế còn khó khăn; quy định chuyển giao công nghệ phức tạp. Không ít nhà nghiên cứu còn mang tư duy cũ là bán cái có sẵn chứ chưa phải cái doanh nghiệp cần, chưa chủ động và tích cực thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đáng nói, liên kết giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu với doanh nghiệp chưa cao… Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, năng lực đổi mới công nghệ còn thấp, khó có điều kiện liên kết.
Từ thực tế nêu trên, PGS.TS Bùi Văn Dũng đề xuất một số giải pháp như tăng cường kinh phí đầu tư cho khoa học – công nghệ; tăng cường các nhiệm vụ khoa học – công nghệ có tính liên vùng, liên ngành để tạo thành các sản phẩm có thể thương mại hóa, các tài sản trí tuệ có giá trị cao. Tăng kết nối giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, hoàn thiện sản phẩm nhằm thương mại hóa kịp thời. Các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chiến lược trong việc hợp tác, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Giao quyền cho các trường ĐH, viện nghiên cứu quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển xã hội.
Còn theo PGS.TS Đàm Sao Mai, các trường ĐH cần xây dựng và thực thi có hiệu quả những chiến lược, chính sách phát triển tài sản trí tuệ; đưa kết quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm, dịch vụ thương mại có giá trị, ý nghĩa trên thị trường.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)