Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cho trẻ dùng iPad sớm: “Con dao hai lưỡi”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bậc phụ huynh bận rộn nên đã để cho con phải làm bạn với iPad và các thiết bị công nghệ khác…
Những thiết bị kĩ thuật số thông minh như iPad hoặc smartphone có thể là kho thông tin hữu ích, nhưng nó lại ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển tâm lí, sức khỏe của trẻ nếu sử dụng không đúng cách.
Lợi ít hại nhiều
Sử dụng các thiết bị kĩ thuật số thông minh, trẻ có thể tìm thấy mọi tiện ích: Xem phim hoạt hình hàng giờ đồng hồ mà không bị gián đoạn như xem ti vi, chơi các trò chơi yêu thích, đọc truyện online hay vẽ tranh… Tất cả những việc đó các em chỉ cần lướt tay trên màn hình là làm được. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lí lại lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của trẻ trong thời đại kĩ thuật số. Chẳng hạn, trẻ chạm tay vào màn hình cảm ứng quá nhiều sẽ gây nên tình trạng yếu cơ. Khi trẻ mới tập đi, các cơ ở tay, chân còn rất yếu, do đó sử dụng màn hình cảm ứng nhiều khiến cho những cơ đó không có cơ hội hoạt động, dần dần các cơ sẽ bị yếu đi khiến trẻ gặp khó khăn trong việc viết chữ.
Chúng tôi cũng đã làm một cuộc thử nghiệm nhỏ với hai bé là Thảo Vy và Ngọc Hân (3 tuổi). Bé Thảo Vy thường xuyên tiếp xúc với máy tính, iPad, điện thoại còn gia đình bé Ngọc Hân không có iPad nên việc sử dụng bị hạn chế. Khi yêu cầu 2 bé vẽ về gia đình trên giấy A4 thì bé Ngọc Hân vẽ nhanh, đẹp và bức tranh khá sinh động. Còn bé Thảo Vy vẽ chậm hơn, bức tranh rất đơn điệu.
Anh Nguyễn Gia Như – nhân viên kinh doanh của một công ty tại Q.7 chia sẻ: “Bé Bin được 3 tuổi, trước đây có bà ngoại trông giúp thì bé thích chơi lắm, nhưng bây giờ bà về quê, do công việc quá bận rộn nên mỗi khi phải trông con cho vợ làm việc nhà, tôi thường đưa cho bé chiếc iPad để tô màu, chơi trò chơi… Sau đó thì tôi thoải mái làm việc, bé cũng ngồi im một chỗ để chơi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi thấy bé không để ý đến người xung quanh mà chỉ chăm chú vào chiếc iPad…”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương – nhà trị liệu tâm lí (Hà Nội) cho biết: “Khi trẻ sử dụng iPad hay các thiết bị số trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, ngôn ngữ mà bé tiếp nhận chủ yếu từ chiếc iPad, do đó các bé sẽ không có nhu cầu tiếp xúc với mọi người xung quanh”. Cũng theo cô thì kĩ năng giao tiếp xã hội của trẻ bị hạn chế, nhận thức thế giới bên ngoài về sự vận động của mọi vật xung quanh kém, làm “thui chột” trí tưởng tượng của trẻ. Trong khi trẻ có thể giao tiếp với nhau và với thế giới bên ngoài”.
Chị Bích Thủy – nhân viên văn phòng ở Gò Vấp, TP.HCM đang lo lắng: “Bé Bi nhà tôi được 4 tuổi, khi ăn cũng cầm iPad của bố mới chịu, trước khi đi ngủ phải chơi game đã mới chịu ngủ. Trong giấc mơ, chân tay còn khua lung tung, liên tục đấm vào người ba mẹ”.
Kiểm soát thời gian chơi hợp lý
Là một nhà trị liệu tâm lí, cô Thu Hương cho rằng: “Khi trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu tiếp xúc với iPad được cho là sớm. Còn đối với trẻ dưới 5 tuổi thì trung bình mỗi ngày chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với thiết bị này khoảng 30 phút, vượt quá thời gian trên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển tâm lí và sức khỏe của trẻ”.
Chị Đào Thùy Linh (Q.7) cho rằng, trẻ tập làm quen với iPad sớm sẽ giúp bé tiếp thu bài tích cực hơn. Tũn được 3 tuổi mà chị đã mua cho một chiếc iPad để học, mỗi buổi tối chị dạy con học chữ trên máy, nhận dạng các con vật… Ban đầu thì con đòi chơi mấy trò điện tử nhưng chị cứng rắn, kiên quyết áp dụng “kỉ luật thép”, sau đó con cũng ngoan ngoãn nghe theo. Mỗi ngày cho con học 30 phút, chị thấy rất hiệu quả. Khi đến lớp nhiều bạn không phân biệt được con hổ và con mèo nhưng bé nhà chị nhận diện dễ dàng.
Viện Nghiên cứu y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo rằng không nên cho trẻ từ 0-2 tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử dưới bất kì hình thức nào. Còn với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế 1 tiếng/ngày và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức 2 tiếng/ ngày. Cũng theo nghiên cứu này thì trẻ sử dụng các thiết bị điện tử sớm có nguy cơ chậm phát triển về khả năng đọc viết và các khả năng học tập, thiếu sự vận động nên dẫn đến mắc bệnh béo phì, sử dụng quá nhiều có thể làm gia tăng khả năng mắc các chứng bệnh về tinh thần: Trầm cảm, tự kỉ… Cô Thu Hương cho biết: “Các phần mềm điện tử dù có ích thế nào cũng không thể thay thế cha mẹ dạy dỗ con cái trong cách giao tiếp, kĩ năng sống, rèn luyện thể lực… Vì thế, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng quá nhiều các thiết bị này mà nên cho trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chơi các trò chơi vận động để bé được phát triển toàn diện cả về tâm lực và thể lực”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Theo TS. Phí Thị Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lí – giáo dục Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên): “Thế giới trong iPad là một thế giới ảo, khi trẻ tiếp xúc nhiều với nó sẽ gây trạng thái mơ hồ, thậm chí nảy sinh những xúc cảm tiêu cực ở trẻ như  cáu giận, nổi nóng…”.  
 

Bình luận (0)