Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đường sắt đô thị còn thiếu đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời gian đầu khai thác thương mại, tính trung bình, mỗi chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông chỉ khai thác khoảng hơn 8% sức chở tối đa của đoàn tàu. Nhìn đoàn tàu sức chứa tối đa 960 người, chạy liên tục 15 phút/chuyến nhưng chỉ có vài chục hành khách mỗi chuyến khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả đầu tư của dự án này.
Đường sắt trên cao vắng khách
Có mặt tại ga Cát Linh vào giờ cao điểm sáng thứ hai, ngày 6-12, tuy là ngày đầu tuần nhưng lượng hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông không đông đúc. Việc mua vé lên tàu rất dễ dàng, không phải xếp hàng. Đã hơn 2 tuần khai thác thương mại có thu tiền, trung bình mỗi chuyến tàu vẫn chỉ đạt mức trên dưới 100 hành khách. Trong đó, nhiều chuyến chạy giờ thấp điểm hầu như không có khách.
Đại diện Metro Hà Nội cho biết, lượng khách trải nghiệm đã giảm, lượng khách có nhu cầu thực tế sử dụng tuyến tăng dần. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía hành khách, đi tàu Cát Linh – Hà Đông còn nhiều bất tiện.
Chị Nguyên Hạnh, nhà ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Đông), làm việc tại phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), cho biết, việc đi tàu Cát Linh – Hà Đông giúp tránh được ùn tắc trên trục đường Nguyễn Trãi, nhưng mới chỉ giải quyết được 50% quãng đường, phần còn lại từ ga cuối đến cơ quan vẫn còn xa, nếu tính cả gửi xe, lên xuống tàu, chuyển sang xe buýt… thì tổng thời gian vẫn không kém đi xe máy, chi phí lại tăng thêm.
Đường sắt đô thị còn thiếu đồng bộ ảnh 1
Những toa tàu vắng khách cả trong giờ cao điểm.
Nhiều hành khách cũng phản ánh, việc gửi xe máy tại các ga chính tương đối thuận tiện, nhưng tại các ga khác dọc hành trình rất khó khăn, chưa kể bị chặt chém giá gửi xe quá mức quy định. Kết quả là đường sắt trên cao vắng khách, trong khi đường bộ phía dưới vẫn đông nghẹt.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội, cho rằng, khi tình hình dịch Covid-19 giảm, học sinh, sinh viên, người lao động đi học, đi làm trở lại thì hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông chắc chắn sẽ tăng, nhưng chưa thể như kỳ vọng. Nguyên nhân do đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, người dân cũng cần có thời gian làm quen.
ThS Vũ Anh Tuấn (Đại học GTVT) cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tàu Cát Linh – Hà Đông vắng khách là do tính liên thông trong mạng vận tải công cộng và mạng metro nói riêng vẫn còn yếu.
Đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị
Công ty Metro Hà Nội cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 318km. Dự kiến, mạng lưới hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35%-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%. Tuy nhiên, hiện mới có 5 tuyến đang triển khai và dự án nào cũng chậm tiến độ. Trong đó, tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm 6 năm so với tiến độ ban đầu.
Tiếp theo đó, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội khởi công tháng 9-2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2016 nhưng đến nay mới hoàn thành 80% của 8,5km đoạn trên cao, 40% của 4,5km đi ngầm. Mới đây nhất, dự án này lùi thời hạn khai thác tuyến trên cao đến 2022 và tuyến đi ngầm vào cuối năm 2025, chậm gần 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Các dự án còn lại hầu như vẫn đang nằm… trên giấy, trong đó, dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình dự kiến đầu tư trước năm 2025 nhưng vừa phải tạm dừng đầu tư do hình thức BT không còn phù hợp.
Riêng đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ 2008, dự kiến được triển khai từ năm 2009 và hoàn thành năm 2019, đến nay vẫn án binh bất động. Tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng thực tế mới đang ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận, việc cần 8-10 năm mới xây xong một tuyến đường sắt đô thị như hiện nay là quá chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư. Để có một mạng lưới giao thông công cộng hoàn chỉnh vào năm 2030, thành phố cần phải có giải pháp đột phá.
Ông Tuấn cũng cho rằng, nhiều bài học đã được rút ra trong quá trình đầu tư dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ giúp cho TP Hà Nội, TPHCM triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
MINH DUY (theo SGGP)

Bình luận (0)