Đây là yêu cầu được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đưa ra trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 GDMN TP.HCM do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 12-11.
Phó Giám Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam yêu cầu các trường MN chuẩn bị phương án dạy học gián tiếp nếu dịch COVID-19 kéo dài
Đánh giá năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt, chưa từng có trong tiền lệ khi chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, ông Lê Hoài Nam đánh giá MN là bậc học chịu thiệt thòi nhất do khó triển khai các giải pháp dạy và học. Sở GD-ĐT đã xây dựng các tiêu chí, giải pháp, phương án an toàn phòng chống dịch nhưng chưa biết ngày nào trẻ trở lại trường.
Nếu dịch tiếp tục kéo dài, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP yêu cầu các địa phương, nhà trường cần chuẩn bị phương án dạy học gián tiếp như đưa clip, video, phối hợp với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhà trường phải nghiên cứu xây dựng cách thức, giải pháp lâu dài, hiệu quả cho trẻ từ 3-5 tuổi, nhất là trẻ 5 tuổi.
Song song đó, sẵn sàng các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu thực hiện Bộ tiêu chí an toàn trường MN để khi quay trở lại trường không bị động, lúng túng. Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành.
Với những khó khăn của các cơ sở GDMN ngoài công lập trong năm học 2021-2022, Phó Giám Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT để Bộ kiến nghị lên Trung ương có chính sách hỗ trợ như giãn thuế, giảm lãi suất. Ông đề nghị các phòng GD-ĐT tập trung, kiểm soát kỹ các cơ sở MN ngoài công lập, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, các chính sách pháp luật của nhà nước…
“Thực tế, nhiều trường không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm cho giáo viên hoặc ký nhưng không đóng bảo hiểm gây khó khăn cho giáo viên khi hưởng các chế độ chính sách trong dịch COVID-19. Sở sẽ có văn bản gửi các quận, huyện rà soát đối tượng đã được hỗ trợ, đối tượng chưa được hỗ trợ để có kiến nghị lên UBND TP. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chia khó, hỗ trợ từ mỗi đơn vị, tạo tinh thần để đội ngũ an tâm, tiếp tục gắn bó…”.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các cơ sở MN sau trưng dụng phòng chống dịch phải có kế hoạch duy tu, sửa chữa, dự toán chi phí, thống kê chi phí điện, nước sau trưng dụng để Sở kiến nghị TP hỗ trợ.
Năm học 2020-2021, TP.HCM có tổng số 1.368 trường mầm non, tăng 16 trường so với năm học 2019-2020. Trong đó, công lập là 472 trường, ngoài công lập là 896 trường. Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập là 1.806, tăng 67 nhóm so với năm học trước. Tổng số trẻ toàn bậc học là 355.167 trẻ, tăng 6.533 trẻ so với năm học 2019-2020. Tổng số cán bộ quản lý là 2.834, số giáo viên là 27.517, trong đó có 40,3% giáo viên trên chuẩn.
Năm học vừa qua, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đều đạt 100%. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được duy trì và ổn định. Công tác quản lý được đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mạnh dạn áp dụng phương pháp tiên tiến vào triển khai chương trình.
Năm học 2021-2022, GDMN TP chịu nhiều thiệt thòi do chịu tác động của dịch COVID-19
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được củng cố, nâng lên cả về số lượng, chất lượng. Toàn thành phố có 44 trường đạt chuẩn quốc gia, 200/1.365 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt, ngành đã tham mưu HĐND TP ban hành Nghị quyết số 01, 04 về chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non và thu hút giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố. Đây là sự quan tâm, là nguồn động viên to lớn giúp giáo viên mầm non tiếp tục gắn bó, cống hiến, thu hút nhân lực cho GDMN TP.
Năm học 2021-2022, với chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện”, GDMN TP.HCM tiếp tục tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Xây dựng các phương án, kịch bản bảo vệ sức khoẻ và an toàn tuyệt đối cho trẻ. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi… Tiếp tục xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức, chăm sóc giáo dục trẻ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 trẻ chưa thể đến trường, GDMN TP tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về công tác quản lý; Nhóm giải pháp đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, an toàn sức khoẻ cho trẻ; Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, trường MN đạt chuẩn quốc gia; Nhóm giải pháp định hướng phát triển trường, lớp, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, hướng đến phổ cập GDMN trẻ dưới 5 tuổi; Nhóm giải pháp đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng CNTT…
Dịp này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khen thưởng 52 tập thể và 20 cá nhân có thành tích thực hiện tốt quản lý chỉ đạo công tác GDMN trong năm học 2020-2021.
Yến Hoa
Bình luận (0)