Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phố, chợ hồi sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Tròn 1 tháng qua, cuộc sống, sinh hoạt của người dân TPHCM đã từng bước thích nghi với điều kiện bình thường mới. Hầu hết khu phố chuyên doanh, chợ truyền thống đã hoạt động trở lại; những nét văn hóa truyền thống ở thành phố hơn 300 tuổi mỗi nơi mỗi vẻ, cũng dần trở lại.

Một quán ăn tại Phố ẩm thực Vĩnh Khánh, phường 8 (quận 4) phục vụ thực khách online
Một quán ăn tại Phố ẩm thực Vĩnh Khánh, phường 8 (quận 4) phục vụ thực khách online
Phố nhậu online
“Alo, cá hả, mấy người? Chở trước thùng bia rồi uống nữa kêu sau hen”. Ghi vội vài dòng trong tờ giấy nhỏ các món mà thực khách vừa gọi, bà Muội nhắc dặn con gái: “Xong bàn đó tới bàn này rồi giao qua đường Tôn Đản luôn nha”. Cách quán của bà Muội một căn nhà là quán Ốc 662, với tấm bảng thực đơn đặt trước cửa giới thiệu các món xào, nướng, lẩu chua cay…

“Cả tuyến đường này có hơn 20 quán bán online, còn lại vẫn đóng cửa, hoặc chuyển sang bán tạm thời các loại gia vị, đồ uống như quán cạnh tôi đây”, bà Muội nói. 
Phố ẩm thực Vĩnh Khánh, phường 8 (quận 4) trước dịch hết sức sôi động, nay chỉ lèo tèo vài quán dọn ra với các món khoái khẩu cho dân nhậu, như: hải sản tươi sống, các món lẩu, mực khô… Một nữ phục vụ quán Ốc Oanh đon đả mời: “Có tôm nướng ngon lắm nè, lấy nhiêu quán mang đến tận nơi”. Một nam thực khách đứng cạnh nói chen vào: “Nhậu ở nhà hổng đã bằng ra quán”…
Tại phố ẩm thực đường 10 (từ đường Kinh Dương Vương tới đường Bà Hom), phường 13, quận 6, nhiều quán ăn đã mở lại cho thực khách ngồi tại bàn. Anh Tí, quán Bò 7 Món, cho biết thực đơn phục vụ dân nhậu đặt online được anh Tí đưa lên các mạng xã hội zalo, facebook để giới thiệu với khách. “Lúc chưa có dịch, quán bán cả chục món, khách ngồi không trống bàn nào”, anh Tí nói. 
Trên suốt tuyến phố ẩm thực đường số 10, như anh Tí nói, lúc chưa có dịch có đến hơn 200 quán ăn, nhà hàng, xe đẩy bán đủ món ăn phục vụ thực khách từ 5 giờ sáng đến suốt đêm. Bán online cũng khó khăn lắm, nhiều nơi xa, gọi nhiều lần cũng phải đáp ứng cho khách. Từ ngày 28-10 cho phép bán tại chỗ mà không được uống bia rượu, khách chủ yếu cũng đặt online. Chỉ những hàng quán bún đậu mắm tôm, bún bò, hủ tiếu, phở, cà phê…là có khách đến ngồi ăn uống.
Tại Làng Ốc hẻm 450 Dương Bá Trạc, phường 1 (quận 8), từ ngày 28-10 đã có nhiều quán ăn mở ra nhưng rất ít thực khách ngồi tại chỗ do quy định không được uống rượu bia tại bàn.
Một nữ phục vụ quán ốc Cô Thắm giới thiệu: “Quán nay có đủ các món ốc, nghêu, sò, cua, ghẹ… Khách ngồi tại bàn hay đặt online, mua mang về đều phục vụ hết”. “Thế ngồi uống được không?”, một thực khách đến gần hỏi. “Được mà, vào đi anh, uống nhiêu cũng được”.
Thấy thực khách có vẻ lưỡng lự, nữ phục vụ này nói tiếp: “Phía trong kia bán hết cả đấy. Các món hải sản thơm ngon thế này mà không có bia rượu đâu ai chịu ngồi. Hơn tháng nay nhậu online, nhiều người hổng thích nữa”.
Ế ẩm chợ truyền thống
Đến thời điểm hiện nay, đã có 120/134 chợ truyền thống trên toàn thành phố hoạt động trở lại, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, như người vào chợ phải khai báo y tế; các sạp trong chợ phải che chắn và người bán đã chích ít nhất 1 mũi vaccine, 3 ngày test Covid-19 một lần. Ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ truyền thống trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 6, 10, Bình Thạnh, tình hình buôn bán khá ế ẩm. Phần lớn các chợ mới chỉ có 50% số sạp hoạt động.
Ông Trương Quang Nghĩa, Trưởng ban quản lý chợ Đa Kao (quận 1), cho biết: Tiểu thương kinh doanh tại chợ phải có giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và thực hiện khám sàng lọc định kỳ, bố trí màng ngăn, không gian bảo đảm giãn cách, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn hàng ngày. Khách mua vẫn còn tâm lý e ngại vào các sạp phía trong lồng chợ phải khai báo y tế, giữ khoảng cách nơi không gian hẹp.
Tình trạng hoạt động cầm chừng, buôn bán ế ẩm cũng diễn ra tại chợ Bến Thành (quận 1). Chị Nga, chủ sạp hoa Nga ngay cổng Tây chợ Bến Thành, nói: “Chỉ những sạp phía ngoài này còn cầm cự bán được, chứ hầu hết sạp bên trong đều ế ẩm. Nhiều sạp cả năm nay đóng cửa, trả mặt bằng vì không chịu nổi khi mở ra với đủ thứ chi phí mà buôn bán không được”.
Cũng như các chợ truyền thống khác, khách vào chợ Bến Thành phải khai báo y tế, vào chợ theo lối đi riêng được nhân viên bảo vệ hướng dẫn tại các cửa ra vào. Từ tâm lý bất tiện này mà thời gian qua, các khu chợ tự phát nằm bên ngoài chợ truyền thống mọc lên, tràn ra hẻm, lòng đường, vỉa hè. Tại chợ Hòa Hưng (quận 10), trong khi các sạp trong chợ vắng khách thì phía bên ngoài các đường Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành, Trần Văn Đang cảnh tượng buôn bán nhộn nhịp, hàng hóa không thiếu thứ gì.
Tương tự, tại các chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), các huyện ngoại thành Hóc Môn, Bình Chánh, chợ tự phát thu hút một lượng lớn người mua bán đến đây hàng ngày gây nên tình trạng kẹt xe, mất an ninh, trật tự.
Tại các chợ truyền thống lớn như Bình Tây, Tân Bình, An Đông tình hình buôn bán cũng ế ẩm những ngày qua. Tại chợ Bình Tây (quận 6), ngay cổng chính chợ đặt bàn khai báo y tế và các bảng hiệu cảnh báo dịch Covid-19. Phía trước cổng chợ dựng một lều dã chiến dùng làm khu cách ly tạm thời với những trường hợp F0 vào chợ. Trong khi các sạp trong lồng chợ ế ẩm, thì dọc 2 con đường Trần Bình, Lê Tấn Kế và phía sau chợ lúc nào cũng đông đúc người mua bán.
Tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình), tình trạng ế ẩm một phần do xe khách tại các tỉnh chưa được phép đi lại, nên lượng đơn hàng đặt đi xa chưa nhiều. Hiện chợ Tân Bình cũng chỉ có hơn 50% số sạp hoạt động, chủ yếu nằm phía ngoài trên các con đường Phú Hòa, Tân Xuân, Tân Thọ, Duy Tân…
Mùa mua sắm cuối năm đang đến, tiểu thương và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh mua bán tại các phố chợ, chợ truyền thống, khu thương mại mong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát triệt để, để hoạt động kinh doanh sớm hồi sinh, phát triển.
HOÀI NAM (theo SGGP)

Bình luận (0)