Bệnh nhân khi mua thuốc phải tuân thủ theo toa của BS
|
BS.CKII Đàm Ngọc Tuấn (Giám đốc Phòng khám Đa khoa Thiên Hậu) cho biết: “Bạn có thể dễ dàng mua được thuốc ở bất kì một nhà thuốc nào, nhưng làm thế nào để sử dụng chúng một cách an toàn và hiệu quả, đó là một vấn đề không đơn giản. Bởi, thuốc có thể trị bệnh nhưng cũng có thể gây tai biến khi sử dụng không đúng cách”.
Thuốc cần phải bán theo đơn
Tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Da liễu… việc bán thuốc được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, theo đúng quy định. Nhân viên tại các bệnh viện này chỉ bán thuốc khi có đơn và sự chỉ định của BS.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhà thuốc Bệnh viện Mắt TP.HCM đã có rất nhiều bệnh nhân là người tỉnh thành khác đến khám bệnh, mua thuốc. Mặc dù, BS đã kê đơn rất rõ ràng nhưng khi đến mua thuốc, người bệnh vẫn yêu cầu nhân viên bán thêm thuốc. Chị Phan Ngọc Linh (Tây Ninh) chia sẻ: “Nhà tôi ở xa nên mỗi lần phải lặn lội lên đây khám bệnh rất mất thời gian lại tốn kém, nên tiện một lần tôi lấy thêm thuốc về dùng”. Người bệnh này không biết hay “cố tình” không biết vì trong sổ khám bệnh, BS có ghi rõ 2 tuần sau tới tái khám. Trong những tình huống như vậy, nhân viên bán thuốc vẫn theo quy định, nhưng lại được đáp trả bằng những ánh nhìn “khó chịu” của người bệnh.
BS. Tuấn cho biết: “Việc dùng thuốc không theo đơn hiện nay còn rất phổ biến. Người bị bệnh có thể đến nhà thuốc và kể ra một loạt các triệu chứng cho người bán thuốc với mong muốn chữa khỏi bệnh. Nhưng những người bán thuốc đó không phải ai cũng có đầy đủ trình độ về y khoa, bởi vậy có nhiều khả năng bán thuốc sẽ không đúng bệnh, thậm chí còn phản tác dụng”.
Chẳng hạn như nếu bị đau bụng mà đến nhà thuốc nói bị đau bụng thì người bán thuốc sẽ bán cho loại thuốc đau bụng, có tác dụng làm giảm cơn đau tạm thời. Nhưng không may cơn đau bụng đó là do bị đau dạ dày thì cần phải thăm khám của BS để có chỉ định rõ ràng.
Nguy hiểm từ thuốc không theo đơn
Ngoài các bệnh thông thường như ho, sốt, đau họng… có thể mua thuốc tại nhà thuốc, những bệnh có nguồn gốc phát sinh từ sâu bên trong cơ thể thì nên đến gặp BS, mà là BS chuyên khoa thì càng tốt để được thăm khám và điều trị đúng bệnh để đạt hiệu quả cao.
Một loại thuốc phù hợp với người này nhưng chưa chắc đã có hiệu quả và an toàn đối với người kia. Vì vậy, không nên dùng thuốc theo kiểu “truyền miệng” hay mượn đơn thuốc của người khác. BS. Tuấn cho biết thêm: “Hiện nay, việc dùng thuốc còn khá bừa bãi đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm”. Cũng theo BS. Tuấn: “Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc kháng sinh không phù hợp với cơ địa của cơ thể có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như kháng thuốc do dùng không đúng chủng loại hay bị dị ứng thuốc”.
Bên cạnh thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm nếu sử dụng một cách “vô tội vạ” cũng gây nên những biến chứng rất nguy hiểm. Trong đó có thuốc chống kháng viêm corticoid, loại thuốc này giống như một “thần dược” có tác dụng ngay tức thì.
Theo ThS.BS Ngô Minh Vinh (giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch): “Corticoid là một loại thuốc chống kháng viêm, nếu như uống loại thuốc này trong một thời gian dài nó gây nên các biến chứng nguy hiểm trong đó có hội chứng Cusing. Hội chứng này làm cho mặt giữ nước, giữ mỡ, mặt tròn nổi mụn, lông rậm, chậm phát triển về tâm thần, trí tuệ. Thậm chí cao huyết áp, tiểu đường…”. Còn BS. Tuấn cảnh báo: “Nếu như sử dụng không đúng cách thuốc chống kháng viêm corticoid gây nên rất nhiều tác dụng phụ. Trong đó làm ức chế tuyến thượng thận gây nên tình trạng suy tuyến thượng thận. Vì vậy, không được lạm dụng quá mức loại thuốc này, nếu dùng thuốc cần có sự chỉ định của BS”.
BS. Vinh cũng cho biết: “Acnotin là một loại thuốc bôi trên da để trị mụn trứng cá, trong đó đặc biệt là trứng cá bọc. Nhưng nếu dùng thuốc này mà không có chỉ định của BS thì biến chứng của nó rất lớn, đặc biệt là với phụ nữ có thai. Sử dụng loại thuốc này trong khi có thai hoặc chuẩn bị có thai thì có khả năng sinh quái thai cao”.
Các BS khuyến cáo khi đang dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo chỉ định, không nên tự ý tăng hay giảm liều dùng. Thậm chí, khi muốn sử dụng thêm thuốc bổ cũng cần phải hỏi ý kiến của BS để tránh tình trạng tương tác thuốc hay thay đổi hiệu quả của thuốc điều trị. Trong đợt điều trị, hãy cố gắng ghi lại tất cả các thuốc đang sử dụng để BS được biết. Trước khi dùng bất kì loại thuốc nào, hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và thông báo ngay cho BS những bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc. Để thuốc luôn đảm bảo cần để thuốc ở nơi khô thoáng, hay tủ mát tùy theo yêu cầu của nhà sản xuất, cần chú ý đến hạn dùng và thời gian mở nắp.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Nghị định 176/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, nhằm siết chặt tình trạng tự ý mua bán thuốc diễn ra nhiều năm qua. Hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng. |
Bình luận (0)