Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Làm gì khi trẻ sốt cao co giật?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ có hiện tượng sốt cao nhất là khi trên 380C thì không nên để ở nhà tự điều trị mà phải đưa đi bệnh viện kịp thời. Ảnh: M.H
Do cơ thể mẫn cảm với thời tiết hoặc đến kỳ mọc răng, trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi bị sốt cao là chuyện bình thường. Thế nhưng, nếu thân nhiệt của trẻ do nguyên nhân nào đó mà tăng lên một cách đột ngột thì trẻ dễ bị co giật, nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay.
Những cơn “động kinh”
Do thể trạng yếu, suy dinh dưỡng độ 1 nên bé Bi – cậu con trai đầu của vợ chồng anh Đặng Văn Hậu, buôn bán rau củ ở chợ Cầu Đỏ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – thường bị nóng sốt và bỏ ăn mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Nhờ đo nhiệt độ thường xuyên cũng như kịp thời cho uống thuốc hạ nhiệt nên vợ chồng anh đã kiềm chế được những cơn sốt bất thường và nguy hiểm đó. Thế nhưng, mới đây anh chị thật sự hoảng hốt khi lần đầu tiên bắt gặp cậu con trai gần 1 tuổi bị co giật sau một ngày lên cơn sốt. Anh Hậu nhớ lại: “Thấy cháu nóng toàn thân, đo nhiệt độ lên đến 390C tôi vội đi lấy nửa viên thuốc Paracetamol pha cho cháu uống thì nhìn thấy chân tay cháu co rúm lại và toàn thân rung lên. Vợ chồng tôi vô cùng hoảng sợ, vội vàng cởi áo quần cháu ra lau tiếp nước đá rồi đặt thuốc hạ nhiệt vào hậu môn. Cũng may, chỉ vài phút sau cháu hết co giật, khi đó cả hai vợ chồng lên xe máy chở cháu đến trạm y tế gần nhà”.
Cơn co giật của trẻ thường làm cho bất kỳ người cha người mẹ nào cũng hoảng hốt. Lúc đó trẻ bị thiếu ôxy não nên rất khó thở, mắt nhắm nghiền và trợn ngược, hai hàm răng dính chặt lại với nhau một cách vô thức, mặt mũi tím tái. Nếu không có kinh nghiệm, thiếu bình tĩnh thì phụ huynh dễ bị hoảng loạn và lo sợ thái quá.
Đó cũng là lần nhớ đời đầu tiên của vợ chồng anh Nguyễn Viết Đức – một giáo viên dạy địa ở quận 5, TP.HCM khi nhìn thấy cô con gái bị co giật vì sốt cao. Mặc dù đã được uống 2 liều thuốc nhưng người bé Mi cứ nóng li bì nên anh Đức đã vội chở con sang Trung tâm Y tế quận 5. Thế nhưng, vừa đi được một đoạn đường vợ chồng anh thật sự hốt hoảng khi nhìn thấy con bỗng nhiên co giật giống như người bị động kinh. Cả hai vợ chồng hốt hoảng tấp xe vào một tiệm thuốc tây “cầu cứu” nhân viên bán thuốc. Tuy thấy con chỉ bị co giật một lần những hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi vợ chồng anh trong một thời gian dài.
ThS.BS Đinh Thạc – Trưởng ban Truyền thông Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ nhỏ bị co giật khi sốt cao là do nhiệt độ cơ thể tăng lên một cách đột ngột. Lúc đó trẻ thường bị khó thở, cuộn mình lại. Co giật làm cho đứa trẻ mất ý thức nhưng theo BS. Thạc, các cơn co giật này không gây nguy hiểm vì chúng có thể tự đi qua trong một vài phút.
Những lời khuyên cần thiết
BS. Thạc còn cho biết thêm, co giật do sốt được phân thành hai loại: Co giật do sốt đơn giản và co giật do sốt phức tạp. Nhiều đứa trẻ thường bị co giật do sốt đơn giản trong thời gian ngắn, thường tự dừng lại nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Còn co giật do sốt cao phức tạp thì thời gian kéo dài hơn 10 phút, có thể xảy ra ít nhất 2 lần trong một ngày, có khi nửa đêm hoặc trưa nắng. Loại co giật này diễn biến phức tạp vì không chỉ xuất hiện lúc nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột mà cả khi nhiệt độ đang từ từ hạ xuống. Đa số các trẻ co giật do sốt cao thường do yếu tố nhiễm trùng trong cơ thể của trẻ mà tiêu biểu là nhiễm vi khuẩn hay virus.
Khi trẻ bị co giật, các bậc phụ huynh không nên hoảng loạn mà cần phải bình tĩnh để tìm cách xử trí. Tốt nhất là để bé nằm yên và đừng nên có những kích thích quá mạnh. Tìm mọi cách hạ bớt thân nhiệt bằng cách cởi bỏ bớt quần áo, tuyệt đối không ủ hoặc đắp kín mền cho trẻ. Làm như vậy thân nhiệt lại càng tăng lên. Nếu được hãy mở thoáng các cánh cửa và hạn chế đông người. Cách hay nhất là dùng khăn ướt lau vào vùng nách, bẹn để thân nhiệt giảm xuống. Nhiều cha mẹ có kinh nghiệm lấy cán muỗng đút vào miệng để cho trẻ không cắn răng vào lưỡi, nhưng tốt nhất là dùng khăn sạch mềm để trẻ không bị gãy răng. Theo lời khuyên của BS. Thạc, đừng nên giữ chặt bé quá vì dễ bị gãy xương lúc trẻ lên cơn co giật hoặc đang gồng mình lại. Có thể dùng viên thuốc hạ nhiệt đặt hậu môn với liều lượng do BS hướng dẫn từ trước. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Để ngăn ngừa trẻ bị co giật khi sốt cao nên tìm mọi cách cho trẻ hạ thân nhiệt, uống nhiều nước hay bú thêm sữa. Khi trẻ có hiện tượng sốt cao, nhất là khi trên 380C thì không nên để ở nhà tự điều trị mà phải đưa đi bệnh viện kịp thời. Mọi sự chủ quan của người lớn sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc cho con trẻ vì sẽ có những cơn co giật tiếp theo khi trẻ bị sốt cao liên tục trong ngày.
Quang Phan
BS. Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, nhiều trẻ ảnh hưởng từ di truyền của cha mẹ nên cứ nóng sốt là co giật do gen nhạy cảm với co giật khi nhiệt độ cơ thể tăng bất ngờ. 
 

Bình luận (0)