Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã gặp nhiều khó khăn. Số lượng khách du lịch cũng như doanh thu du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Để phục hồi lại ngành du lịch, lãnh đạo và doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM đã đề ra các “kịch bản” và lên kế hoạch cho năm 2021.
Một đoàn du lịch đến tham quan khu du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi)
3 kịch bản hút khách du lịch nội địa
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trong năm 2021, ngành du lịch TP tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển mà UBND, HĐND TP và người dân đặt ra cho ngành. Theo đó, đối với các sản phẩm du lịch, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, nghiên cứu, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, kiến trúc trên địa bàn như: du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), ẩm thực, du lịch đường sông… Bên cạnh đó sở cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng đẩy nhanh quá trình số hóa, tăng tương tác với du khách bằng công nghệ nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi có điều kiện mở cửa thị trường khách quốc tế.
Đối với việc kích cầu du lịch, sở tập trung phát triển chương trình kích cầu du lịch nội địa với chiến dịch “TP.HCM xin chào”, liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng với các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM đón khách du lịch đến TP.HCM đầu năm 2021
Về thu hút khách du lịch nội địa, Sở Du lịch TP.HCM đã đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản 1: Tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát hoàn toàn, ngành du lịch phục hồi tốt, lượng khách nội địa đến TP ước đạt 32,7 triệu lượt, phấn đấu đạt 33,5 triệu lượt. Kịch bản 2: tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tương đối, ngành du lịch dần phục hồi và có nhiều dấu hiệu khả quan. Lượng khách nội địa đến TP ước đạt 22,9 triệu lượt, phấn đấu đạt 26 triệu lượt. Kịch bản 3, tình hình dịch Covid-19 trong nước còn có nhiều rủi ro tiềm ẩn, ngành du lịch tiếp tục duy trì hoạt động ở mức thấp nhất, lượng khách nội địa đến TP ước đạt 10 triệu lượt, phấn đấu đạt 10,5 triệu lượt.
Doanh nghiệp đồng hành
Trước những kịch bản trên, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM cũng đã có kế hoạch để vượt qua khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn bùng phát. Đại diện Vietravel cho biết, đơn vị này đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp số hóa và chuyển đổi số sẽ chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm cung cấp khi nhu cầu và thói quen tiêu dùng, du lịch của người dân đã có thay đổi. Vietravel cũng tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi toàn bộ điều hành hoạt động kinh doanh và quản trị công ty trên nền tảng kỹ thuật số; số hóa 100% quy trình hoạt động công ty, tất cả 100% cán bộ, nhân viên làm việc trên hệ thống các phần mềm; hoàn thiện các ứng dụng AI nâng cao trải nghiệm người dùng; nâng cấp các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản. Ngoài ra, đơn vị này cũng cấu trúc lại hệ thống bán, tập trung đầu tư về công nghệ để chuyển đổi hình thức kinh doanh sang kênh bán online để tối ưu hóa chi phí và nhân sự cũng như phù hợp yêu cầu mới của thị trường là đơn giản, ít chạm và phòng chống dịch. Đặc biệt, Vietravel đã tập trung nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ qua phương thức mua sắm trực tuyến, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm tại nhà và thanh toán trực tuyến, cùng với dịch vụ sẵn có của Vietravel khách hàng hoàn toàn có thể tự lên kế hoạch và thiết kế chuyến đi cho riêng phù hợp với bản thân, gia đình và trên hết là đảm bảo tất cả các tiêu chí du lịch an toàn. Đồng thời Vietravel tập trung kết nối hệ thống kinh doanh trong hệ sinh thái tập đoàn cũng như hệ sinh thái kinh tế chia sẻ thành viên chung của ngành.
Ngành du lịch TP.HCM đón khách du lịch đến TP.HCM đầu năm 2021
Tương tự, khách sạn Grand Sài Gòn cũng đã có kế hoạch để thu hút du khách trong năm 2021. Bà Vũ Thị Thanh Hiền – Phó Giám đốc khách sạn này cho hay, khách sạn vẫn xác định du lịch nội địa là mũi nhọn. Vì vậy, bên cạnh việc vẫn phải tiếp tục tập trung vào khai thác khách hàng nội địa thông qua việc tham gia các chương trình kích cầu của các sở, ban, ngành và Tổng công ty Saigontourist Group thì khách sạn sẽ phải chủ động xây dựng thêm nhiều gói sản phẩm kết hợp giữa dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hội nghị, giải trí… phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu của thị trường. Những gói sản phẩm đã, đang và sẽ được khách sạn thực hiện trong thời gian tới như: Staycation Package, Day Use Offer, Family Package, Business Package, Weekend Package… nhằm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thú vị tại một trong những khách sạn cổ nhất TP.HCM với kiến trúc Pháp từ năm 1930. Điều đặc biệt của các gói sản phẩm này không chỉ là việc áp dụng giá ưu đãi mà còn áp dụng các chính sách linh động phù hợp với nhu cầu thị trường như: Early check-in, late check-out, linh động về hình thức thanh toán, thay đổi hoặc hủy… để thích ứng kịp thời với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, khách sạn cũng tiếp tục thực hiện việc liên kết hợp tác với các đơn vị trong hệ thống Tổng công ty Saigontourist Group… “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng khách sạn Grand Sài Gòn sẽ luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường, tiếp tục tham gia các chương trình kích cầu du lịch nội địa, chương trình ẩm thực đặc sản địa phương trong lòng khách sạn 5 sao, xây dựng các gói du lịch kết hợp hội nghị, tiệc riêng, tiệc cưới để thu hút khách hàng và đẩy mạnh doanh thu ẩm thực. Bên cạnh đó, khách sạn chú trọng hơn việc tăng cường tiếp thị qua ứng dụng công nghệ 4.0 để thay đổi cách thức hoạt động và phát triển sản phẩm mới nhằm quảng bá một cách hiệu quả nhất thương hiệu của Saigontourist Group nói chung và khách sạn Grand Sài Gòn nói riêng” – bà Hiền nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)