Ngày đầu TPHCM triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế – xã hội dần bình thường trở lại, người dân tới trụ sở cơ quan nhà nước làm giấy tờ, đi mua sắm, sửa xe, cắt tóc… Tâm lý chung là phấn khởi, tự tin nhưng không chủ quan.
Nhiều người dân và phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, trưa 1-10.
Lưu thông, buôn bán nhộn nhịp
Từ sáng sớm, trên nhiều tuyến đường tại TPHCM, khá nhiều người ra đường để đi mua đồ ăn sáng, tập thể dục, đi mua sắm…
Tại khu vực đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), chốt chặn đã được dỡ bỏ. Hai bên đường, các hàng quán, tiểu thương buôn bán tự phát cũng bắt đầu tụ tập sôi động. Hàng loạt tuyến đường trên địa bàn TP Thủ Đức như Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, Đặng Văn Bi, Lê Văn Việt, xa lộ Hà Nội… được lưu thông dễ dàng đã tấp nập trở lại.
Tương tự, tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp, quận 12, quận 3, quận Tân Bình, các chốt kiểm soát dịch đều được gỡ bỏ, người dân không bị kiểm tra giấy đi đường.
Tại giao lộ đường Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Trường Chinh (quận Tân Bình), Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), lượng phương tiện tham gia lưu thông khá đông, thậm chí có lúc ùn ứ.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ quận 3) cho hay: “Hôm nay tôi bắt đầu đến công ty làm việc trở lại sau khoảng thời gian làm việc tại nhà nên rất phấn khởi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hơi lo lắng vì người ra đường khá đông. Tôi mong mọi người thận trọng, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”.
Hầu hết người dân ra đường là để đi tới các cơ quan nhà nước làm hồ sơ, giấy tờ; đi làm; vận chuyển hàng hóa… Các cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống cũng mở cửa nhưng chỉ bán mang về. Tại trụ sở UBND phường Hiệp Thành (quận 12) khá đông người dân tới làm giấy tờ. Hầu hết mọi người đều tuân thủ 5K và được cán bộ phun khử khuẩn, nhắc nhở giãn cách khi vào làm việc.
Người dân đến liên hệ làm giấy tờ tại UBND phường Hiệp Thành, quận 12.
Dịch vụ sửa xe, cắt tóc đắt khách
Được phép mở tối đa 50% công suất nên nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu quá tải, khách phải xếp hàng đợi.
Anh Nguyễn Hoài Bảo, chủ tiệm cắt tóc trên đường Tô Ký (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) cho biết: “Sáng nay có khá đông người dân trong khu vực đến để cắt tóc, tuy nhiên tôi chỉ nhận 2 khách/lần. Nhiều khách phải xếp hàng chờ tới lượt hoặc để lại số điện thoại, đặt lịch hẹn”.
Trong khi đó, do nhiều ngày không hoạt động nên xe máy hư bình, xuống hơi, nhiều người dân phải mang đi sửa. Từ sáng sớm, đã có rất đông người dân mang xe đến tiệm để bảo trì.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, chủ tiệm sửa xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) nói: “Hôm nay là ngày đầu tiên tiệm tôi mở cửa đón khách trở lại. Chủ yếu là thay và sạc lại bình điện vì đã lâu xe không chạy, nên tôi hỗ trợ miễn phí giúp người dân, thay phụ tùng chỉ lấy giá vốn”.
Tại tiệm sửa xe số 106 đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu), một hàng dài xe chờ sửa. Chủ tiệm cho biết, để đảm bảo phòng chống dịch đã yêu cầu khách để xe lại, hẹn giờ sửa xong ra lấy sau.
Sức mua dần trở lại bình thường
Sáng 1-10, người dân TPHCM được đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong tình trạng “bình thường mới”. Dự báo nhu cầu đi mua sắm của người dân sẽ tăng khi thành phố nới lỏng giãn cách nên từ 30-9, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã chủ động tăng lượng hàng hóa, đặc biệt đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lẫn rau củ quả.
Tại hệ thống cửa hàng tiện lợi như Co.opfood, Satrafood hay Bách hóa Xanh, hàng hóa được chất đầy các kệ từ ngoài hiên vào bên trong. Phía trước hành lang được chia ô để tạo khoảng cách và có ghế ngồi đợi cho khách hàng.
Tuy nhiên khác với dự báo, lượng khách đến mua trong ngày đầu không quá đông nên không có cảnh chờ đợi. Tại Co.op mart Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), nhân viên bảo vệ trực ở cửa để kiểm tra khách hàng qua mã QR. Trường hợp không có mã, người dân sẽ khai báo y tế bằng giấy, sau đó vào mua hàng.
Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho biết, ngày đầu thành phố nới lỏng giãn cách nhưng lượng đơn hàng của khách đặt mua trực tuyến vẫn không giảm, thậm chí còn tăng cao so với lúc giãn cách.
Để bình ổn thị trường, Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn của thành phố không được tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Đây là cơ sở quan trọng để nhiều hệ thống như Saigon Co.op, Satra… vẫn giữ nguyên giá, thậm chí nhiều mặt hàng giảm giá trước, trong và sau thời gian TPHCM nới lỏng giãn cách. Với sự tham gia của hệ thống này, đã buộc các doanh nghiệp khác (không nằm trong Chương trình bình ổn) phải đưa giá hàng hóa về mức hợp lý.
Ngày 1-10, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, ngày đầu kết hợp kiểm tra trật tự an toàn giao thông với tuần tra, kiểm soát lưu động việc đi lại của người dân trên đường, Công an TPHCM đã kiểm tra ngẫu nhiên hơn 3.000 trường hợp.
Theo Thượng tá Trần Thanh Giang, hầu hết người dân đều có giấy xác nhận tiêm vaccine hoặc thẻ xanh Covid, chỉ một vài trường hợp bị nhắc nhở khi chưa đủ các điều kiện ra đường. Từ hôm nay 2-10, lực lượng công an sẽ tiến hành xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp lưu thông ra đường không đúng quy định.
Đại diện Công an TPHCM lưu ý, đối với việc lưu trong địa bàn TPHCM, người dân sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR thì cần xuất trình giấy tờ sau: là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
|
NHÓM PV (theo SGGP)
Bình luận (0)