Tiến sĩ Lưu Văn Quyết (ảnh), Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu ra những giải pháp để học sinh yêu thích và có động lực học môn sử.
Đổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?
Cải tiến nội dung SGK theo hướng khách quan
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc học sinh chán học sử là vì dạy thiên về số liệu, sự kiện, chưa phát huy được cá tính, sáng tạo của học sinh. Theo ông, còn có nguyên nhân nào khác không?
Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề điểm thi môn lịch sử thấp, học sinh (HS) không thích, thậm chí là ghét học lịch sử… đã được nhiều nhà quản lý giáo dục, các giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy môn học này lý giải với nhiều góc nhìn khác nhau. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phiên trả lời chất vấn về việc học môn lịch sử tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, đã nêu thực trạng trong việc giảng dạy môn học này là “thiên về số liệu, sự kiện, chưa phát huy được cá tính, sáng tạo của HS”. Nhận định này là hoàn toàn hợp lý và đúng với thực trạng đang diễn ra trong nhiều trường THPT thời gian qua.
Tiến sĩ Lưu Văn Quyết. NVCC
Mặc dù lịch sử luôn luôn được khẳng định là môn học quan trọng, nhưng trên thực tế chưa được coi trọng, thời lượng phân bổ cho môn lịch sử còn quá ít và vị thế của môn học này so với các môn học khác cũng không cao, vì chúng ta vẫn còn tư duy “môn chính – môn phụ”. Thời lượng được phân bổ ít, trong khi nội dung sách giáo khoa (SGK) lịch sử còn thiên về sự kiện, trận đánh. Trong khi đó, nội dung lại ít tính gợi mở để HS tìm hiểu, tự đánh giá vấn đề mà đưa vào những ý nghĩa đã được định sẵn, mang nặng tính chủ quan…
Với thời lượng và chương trình như vậy, nhiều GV muốn sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy cũng khó thực hiện được. Cho nên cần phải xóa bỏ tư duy lịch sử là môn học phụ, từ đó tăng thời lượng và giảm tải, cải tiến nội dung trong SGK theo hướng khách quan.
Việc học lịch sử của HS sẽ không thay đổi được nếu vẫn thi như hiện nay. Theo ông, đề thi lịch sử nên thiết kế như thế nào?
Chúng ta có thể kỳ vọng hoạt động đánh giá HS trong thời gian tới cũng sẽ được đổi mới, không gây áp lực nặng nề như trước đây.
Trước mắt, đối với môn lịch sử, việc thi cử cần hạn chế việc “đánh đố”, đặt HS vào hai trạng thái “biết hoặc không biết”, “nhớ hay không nhớ” mà cần cung cấp dữ kiện cần thiết để HS có thể tự tư duy, loại suy các đáp án với hình thức trắc nghiệm.
Còn với hình thức tự luận, chúng ta có thể chuyển mục tiêu đánh giá trí nhớ của HS sang đánh giá mức độ hiểu vấn đề, bài học lịch sử hoặc cảm nhận của HS về các nhân vật, sự kiện lịch sử, hoặc cao hơn là khơi gợi tư duy lịch sử về các bài học lịch sử và vận dụng chúng vào cuộc sống. Đó mới là điều mà thầy cô cần ở mỗi HS sau các tiết dạy về lịch sử chứ không phải việc các em cho chúng ta biết các em nhớ được bao nhiêu phần trăm sự kiện, con số.
Việc biết kết nối lịch sử với hiện tại để hiểu rõ hơn về thế giới, về đất nước mà họ là những chủ nhân tương lai quan trọng hơn là những con số hay sự kiện.
Một giờ dạy học môn sử tại TP.HCM trước thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4. ĐÀO NGỌC THẠCH
Nâng cao vị trí của môn sử
So sánh với việc học lịch sử từ các nước khác, chúng ta nên học hỏi ưu điểm gì từ họ?
Tôi có tham khảo qua chương trình môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện. Có thể thấy, sự thay đổi quan trọng của chương trình lần này là việc tiếp cận lịch sử theo các chuyên đề, vấn đề quan trọng không còn tràn lan, miên man theo năm tháng, sự kiện như trước đây. Tính logic của sử học đã được ứng dụng khá nhiều trong quá trình biên soạn chương trình mới. Chúng ta có thể hy vọng môn học này trong thời gian tới sẽ hình thành cho HS tư duy lịch sử, có thể tiếp cận các vấn đề đương đại từ chiều kích thời gian.
Theo tôi biết, ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật…, môn lịch sử cũng được giảng dạy ở hình thức tích hợp vào các môn học chung. Còn ở Anh, Pháp, Trung Quốc thì vẫn duy trì lịch sử là một môn học độc lập. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu chúng ta không tạo cho các em một động cơ hứng thú và ham thích thì việc môn sử là môn tích hợp hay độc lập đều không quan trọng. Ở nhiều nước, cụ thể là ở Trung Quốc, những kiến thức được đưa vào SGK chỉ ở mức tối thiểu, thời lượng còn lại người ta dùng nhiều phương tiện khác nhau để giáo dục lịch sử cho HS như tổ chức những buổi ngoại khóa, kể chuyện, quan sát mô hình, dùng hình ảnh minh họa hoặc thậm chí là chơi game… Những điều này làm cho môn học trở nên hấp dẫn, gợi mở được tư duy, sáng tạo cho HS…
Theo Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)