Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyển đổi tâm thế, nghĩ khác đi, đồng hành cùng trẻ học trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia giáo dục, sẽ cực kỳ khó khăn thách thức khi dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1. Để hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải “nghĩ khác đi”, sáng tạo hơn để giúp trẻ học trong khoảng thời gian tại nhà một cách ý nghĩa.


Phụ huynh chuyển đổi tâm thế đồng hành với trẻ trong học trực tuyến

Trên hết, phụ huynh phải là người chuyển đổi tâm thế để đồng hành, hỗ trợ cùng giáo viên, giúp học sinh, nhất là trẻ lớp 1 làm quen môi trường học tập trực tuyến ngay từ đầu năm học.

Chia nhóm hình thành kỹ năng tự học, làm việc nhóm cho trẻ

ThS. Nguyễn Hồ Thuỵ Anh nhìn nhận, dạy trực tuyến ở bậc tiểu học, trong khoảng 2 tuần đầu, GVCN nên dành thời gian chỉ để kết nối với trẻ, rèn nền nếp cho trẻ. Cho trẻ thể hiện bản thân, khuyến khích sự tự tin của trẻ từ những kỹ năng trẻ đã được học ở mẫu giáo…

Rào cản lớn nhất dạy trực tuyến với học sinh lớp 1, 2, ThS. Thuỵ Anh cho rằng đó chính là sĩ số học sinh/lớp quá đông. Với sĩ số 49, 50 học sinh/lớp, dạy trực tiếp trên lớp đã rất khó, việc dạy trực tuyến sẽ càng áp lực hơn.

“Nếu giáo viên chỉ áp dụng theo hình thức thuyết trình đơn thuần sẽ không hiệu quả mà đòi hỏi phải có kỹ thuật và phương pháp đặc hữu ngay từ ban đầu, làm sao hình thành được cho trẻ các kỹ năng học online như kỹ năng tự học, tự làm việc nhóm, kỹ năng tập trung chú ý… Giáo viên phải dành nhiều thời gian để từ từ hình thành cho trẻ các kỹ năng này chứ không phải gọi từng học sinh một trong môi trường lớp học ảo”.

Muốn như vậy, theo ThS. Thuỵ Anh, trong chính khoảng thời gian làm quen với trẻ, giáo viên cần chia nhỏ các nhóm học sinh, dành các khung thời gian riêng cho từng nhóm để trẻ làm quen, làm việc với nhau, giao những yêu cầu, nhiệm vụ nhỏ để trẻ có cơ hội được tương tác, làm việc nhóm cùng nhau…, với sự hỗ trợ của phụ huynh..

“Thời gian đầu khi dạy học online, giáo viên cũng nên chỉa lớp thành các nhóm nhỏ, giao bài tập, kiểm tra và chỉnh sửa. Với lớp Một, mỗi tiết học chỉ nên kéo dài tối đa 35 phút, giữa mỗi tiết học trẻ cần được nghỉ từ 10-15 phút. Lớp học online càng phải hướng đến tính cá nhân hoá, kết nối cô trò qua màn hình bằng nhiều hình thức khác nhau”.

Về việc thiết kế bài dạy online, theo ThS. Thuỵ Anh, bài dạy cần chú trọng bồi đắp kỹ năng tự học của trẻ. Khi thiết kế bài giảng online, dù trẻ thích màu sắc, phải có sự cân đối phù hợp, làm sao bật lên nội dung bài học, giảm bớt sự phân tán của trẻ.

“Chú ý của trẻ là chú ý không chủ định chiếm đa số, do đó khi thiết kế bất kỳ bài giảng nào trên không gian lớp học ảo, giáo viên không nên lạm dụng màu sắc thiết kế quá màu mè để giảm sự chú ý của trẻ… Hoạt động động, tĩnh phải xen kẽ. Khi giao nhiệm vụ cho trẻ phải cắt động lệnh ra từng động lệnh đơn lẻ, sau mỗi động lện phải kiểm tra, động viên, khuyến khích trẻ”.

Bà Lâm Hồng Lãm Thuý (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) thừa nhận, dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1 là rất khó khăn bởi đòi hỏi sự tập trung cao của trẻ. Trong khi đó, học trực tuyến, trẻ không được học tập, vui chơi tại trường để hình thành kỹ năng, thái độ trưởng thành.

“Giai đoạn đầu năm, trẻ mới chuyển từ mầm non sang tiểu học, việc dạy trực tuyến từ đầu năm sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. Sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh, nhất là trẻ lớp 1 để các em làm quen ngay từ đầu năm là rất quan trọng, sẽ giúp trẻ trưởng thành ở môi trường học tập mới”.

Trước băn khoăn, lo lắng của phụ huynh rằng trẻ lớp 1 không tập trung khi học trực tuyến, bà Thuý khẳng định, giáo viên sẽ xây dựng các hoạt động giảng dạy, rèn luyện, hình thành nền nếp, thái độ học tập, kỹ năng để trẻ có “kỹ xảo” học trên không gian mạng. Sự chia sẻ, đồng hành của phụ huynh lúc này là động lực, tiếp sức cho giáo viên.

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đồng hành cùng con

Về câu chuyện đồng hành cùng trẻ trong học trực tuyến, chia sẻ trong chuỗi hội thảo “gỡ khó” cùng phụ huynh trong học trực tuyến do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương Hoa (Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chuyên gia tư vấn giáo dục) cho rằng, đeieuf quan trọng nhất phụ huynh cần có tâm thế chấp nhận việc học trực tuyến là xu hướng, như vậy mới có cách thức đồng hành hiệu quả.

Khi đã xác định được tâm thế, phụ hunnh sẽ có cách thức để tổ chức việc học của con, tạo hứng thú, môi trương học, và tâm lý cho con khi học trực tuyến. Cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải đồng hành, cùng thầy cô nghiên cứu chương tình học của con. Đặc biệt chú ý sự an toàn của trẻ khi học trực tuyến, đây là vấn đề căn bản nhất.

“Sự kết hợp chặt chẽ giữa phụ huynh với giáo viên là cực kỳ quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ, tạo tâm lý và môi trường học tập tại nhà thoải mái cho trẻ. Chính trong quá trình tham gia, phụ huynh sẽ có sự định hướng cùng con, tạo cho con môi trương học tốt nhất có thể, cố gắng cùng con xử lý các tình huống phát sinh trong học trực tuyến”, bà Hoa chia sẻ.

Theo bà Hoa, câu chuyện học trực tuyến của trẻ sẽ còn kéo dài, như ngành GD-ĐT TP.HCM xác định là hết HKI. Trong khi đó, phụ huynh vẫn phải đi làm, dù là trực tuyến hay trực tiếp. Do vậy, để có thể đồng hành thật hiệu quả cùng con trong học trực tuyến thì ngay từ bây giờ, phụ huynh nên cùng con thiết lập kênh thông tin hỗ trợ.

“Phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho trẻ trong thời gian đầu học trực tuyến, nhất là với trẻ lớp 1. Hãy để trẻ quen và thích ứng, hình thành nề nếp trong học trực tuyến, đưa ra cách kiểm soát, hỗ trợ con khi mình không có mặt”.


Giáo viên cần “nghĩ khác đi”, sáng tạo hơn để mang đến các giờ học thú vị, hiệu quả cho trẻ

Để việc dạy online cho trẻ được hiệu quả, về phía giáo viên, chuyên gia này cho rằng, trong mỗi tiết học, thầy cô phải chú ý giảm thời gian thuyết trình giảng dạy. Thay vào đó là tăng cường các cách thức tương tác, liên hệ thực tế đến học sinh, hướng dẫn học sih tự học, tóm tắt nội dung ở từng phần…

Cũng trong hội thảo, nói về vai trò của giáo viên để tạo nên các tiết học trực tuyến hiệu quả, TS. Nguyễn Thanh Hải (Viện nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri, Mỹ) khẳng định, trong điều kiện này buộc giáo viên phải là những người “nghĩ khác đi”, sáng tạo hơn để giúp trẻ học trong khoảng thời gian tại nhà một cách ý nghĩa. Tìm giải pháp hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, từ thể chất, tinh thần và kỹ năng.

“Dạy thể dục tại Mỹ trực tuyến, giáo viên xây dựng trò chơi cho học sinh đi tìm kho báu tại nhà…, rồi lại yêu cầu học sinh sáng tạo, cắt dán các hình thủ công. Như vậy, vừa đáp ứng được yêu cầu vận động của trẻ, vừa kích thích trẻ tư duy, sáng tạo song quan trọng là biến tiết học trực tuyến thành một trò chơi thích thú với trẻ”, TS. Hải nêu ví dụ.

TS. Hải cũng nhấn mạnh, trong thời gian trẻ học trực tuyến tại nhà, phụ huynh nên chú trọng tăng cường hoạt động tạo tính tự chủ, tự lập cho trẻ như cùng ba mẹ nấu ăn, chăm sóc cây xanh, phụ giúp việc nhà… Song song, chú ý cùng trẻ hoạt động thể thao, thể chất tại nhà, thông qua các kênh hướng dẫn.

Yến Hoa

Bình luận (0)