Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bị dị tật do chọn giày không phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Kỹ thuật viên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng làm giày cho bệnh nhân dị tật chân
Không ít trẻ bị biến dạng, dị tật ở đôi bàn chân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ về sau chỉ vì phụ huynh chọn giày, dép không đúng cách.
Bàn chân biến dạng vì giày
Theo BS. Nguyễn Thụy Khanh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng (TP.HCM), đôi giày, đôi dép không chỉ để làm đẹp mà còn có chức năng quan trọng là bảo vệ bàn chân khỏe mạnh. Ở trẻ, lứa tuổi vừa biết đi, chạy nhảy, việc lựa chọn một đôi giày, đôi dép phù hợp là điều tối cần thiết.
Cháu Nguyễn Thúy Quỳnh (4 tuổi, con của anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Lê Quỳnh Nga, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) lúc mới sinh ra không hề có dị tật gì nhưng từ lúc cháu biết chạy, nhảy, bàn chân bị biến dạng. Dị tật ở chân khiến bước đi của cháu không được bình thường (bước thấp bước cao) ngày một nặng hơn. Lo lắng, anh Tuấn đưa cháu đi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM khám. BS kết luận, nguyên nhân khiến bàn chân biến dạng là do mang giày dép không phù hợp. Để chữa bệnh, BS phải đo giày để cháu mang cố định lại bàn chân và tập đi lại trong nhiều tháng.
Tương tự, trường hợp bé Võ Duy Chiến (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cũng bị dị tật ở chân. Dù đã 6 tuổi nhưng từng bước đi của bé khá chậm chạp, lắm lúc ngã quỵ xuống vì chân phải rất yếu. Theo anh Võ Duy Hùng, cha của bé: “Vì nhà nghèo, ai cho giày dép thì mang, đúng là có thời gian dài cháu mang giày quá chật, có hôm mấy đầu ngón chân bị đỏ nhưng vì trời lạnh quá nên phải mang. BS nói các gân ở gót chân có vấn đề do cổ giày quá chật”.
Cách chọn giày tránh dị tật
Anh Hậu cũng lưu ý, phụ huynh nên đi mua và đo giày cho trẻ vào buổi chiều tối vì thời gian này, chân trẻ vận động làm tăng kích thước khoảng 4% so với buổi sáng sớm.
Thực tế lâu nay, khi lựa chọn giày dép cho trẻ, phụ huynh chỉ quan tâm đến kiểu dáng, màu sắc, giá cả, nguồn gốc mà chưa thật sự quan tâm đến đôi giày, dép đó có mũi, đế… như thế nào. Theo kỹ thuật viên Nguyễn Đình Hậu, người có nhiều năm gắn bó với nghề đóng giày, nẹp cho bệnh nhân ở Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng (Q.8), sức khỏe của một đôi bàn chân tốt hay xấu tùy thuộc vào các vị trí quan trọng của chiếc giày, kể cả giày da lẫn giày thể thao. Theo đó, khi mua cần chọn giày có mũi tròn, đảm bảo để các đầu ngón chân không bị túm lại. Phụ huynh nên chú ý chọn kích cỡ giày không quá rộng, cũng không quá chật giữa gót chân và cổ giày. Thông thường, trẻ đến đo giày thường bị dị tật ở ngón chân cái, nguyên nhân do chọn giày quá chật, ngón chân cái bị mũi giày “ép”.
Nhiều phụ huynh thắc mắc, vì sao khi đo giày ở tiệm thì vừa nhưng về nhà thì chật hoặc rộng hơn. Anh Hậu lý giải: “Rất có thể khi thử giày, trẻ ở trong tư thế ngồi. Để chọn được một đôi giày chuẩn về kích thước, phụ huynh nên cho trẻ đứng, khi mang giày xong phải đi lại trong vài phút. Mục đích đi lại là để kiểm tra xem các đầu ngón chân, gót chân có bị cọ sát, ửng đỏ hay không, nếu có thì nên chọn kích cỡ lớn hơn. Độ mềm dẻo của giày dép cũng là một tiêu chí để lựa chọn, nếu có độ đàn hồi thì tốt nhưng cũng không nên chọn đàn hồi quá bởi mỗi bước đi, chân sẽ chịu trọng lượng của cả cơ thể”.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Nhiều hệ lụy do mang giày dép không phù hợp
BS. Nguyễn Thụy Khanh cho biết khi đôi chân bị biến dạng, mặc dù tập luyện tích cực nhưng không phải trẻ nào cũng được phục hồi nhanh chóng. Có trường hợp bị dị tật vĩnh viễn, thậm chí ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể trẻ như đầu gối, cột sống, vai… Cũng theo BS. Khanh, mỗi năm bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 100 ca bị hạn chế chức năng vận động do mang giày dép không phù hợp. 
 
 

Bình luận (0)