Những năm qua, Nguyễn Vạn Tiến (cán bộ phường 10, Q.5, TP.HCM) thường phối hợp với phường, quận tổ chức hoạt động đổi rác lấy cây xanh, lấy nông sản an toàn, tổ chức cuộc thi tái chế ở các trường học… Việc làm của Tiến không chỉ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường mà còn thay đổi mô hình kinh doanh phế liệu tại nơi mình sinh sống.
Vạn Tiến (áo đỏ) đang mua phế liệu
Cử nhân đại học yêu nghề… ve chai
Nhiều người dân ở chung cư hay chủ các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn… ở TP.HCM không lạ gì với Vạn Tiến – chàng trai trẻ đi… mua ve chai tận nhà. Không chỉ mặc trang phục đồng bộ, chỉn chu, Vạn Tiến còn ghi điểm với mọi người bằng sự vui tính, tận tình hướng dẫn phân loại ve chai, ghi biên lai rõ ràng.
Vạn Tiến cho biết, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn đã nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt động bảo vệ môi trường: đổi rác lấy cây xanh, lấy nông sản an toàn, tổ chức cuộc thi tái chế… Những hoạt động ấy dần giúp em nhận ra sở trường và sở đoản của bản thân, tìm ra cho mình niềm đam mê với… ve chai. “Khi trở thành sinh viên, em có đi làm nhân viên tại một cửa hiệu thức ăn nhanh và bắt đầu cảm nhận được những vấn đề bất hợp lý trong việc mua bán các thùng giấy đã qua sử dụng. Từ đó, em luôn mong muốn được thành lập vựa ve chai để không chỉ góp phần làm thay đổi mô hình thu mua phế liệu truyền thống mà còn trực tiếp hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn. Năm 2014 em tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn thì năm 2015 em đã quyết định thành lập “Ve chai chú Hỏa”” – Vạn Tiến chia sẻ.
Biết tin Vạn Tiến trở thành ông chủ vựa ve chai nhiều người không khỏi bất ngờ và gièm pha bởi bản thân chàng trai này vốn là một cử nhân lẽ ra phải theo đuổi công việc tốt hơn nhưng nay lại mua ve chai. “Khi bước vào nghề mọi người trong gia đình không ai ủng hộ em vì mọi người đều nghĩ thật phí tiền khi cho ăn học 4 năm trời để rồi làm một công việc thấp bé trong xã hội. Nhưng em vẫn quyết định làm theo ý của mình vì em có một niềm tin rất lớn và tuyệt đối là bản thân sẽ làm được và chứng minh quyết định đó là đúng. Trải qua nhiều biến cố, công việc này dần ổn định, trụ vững sau 4 lần đại dịch Covid-19, tạo thu nhập ổn định cho cả nhóm và hình ảnh thương hiệu ngày càng được mọi người biết đến” – Tiến cho biết.
Vạn Tiến và thành viên trong nhóm vui mừng vì mua đầy xe tải ve chai
Tự tìm tòi trang bị cho mình những kiến thức về rác và nghề mua ve chai, Vạn Tiến càng yêu nghề càng quyết tâm với nghề. Những chuyến đầu tiên, mua được một món đồ cũ còn tốt, hay lời vài ba chục ngàn, Vạn Tiến vô cùng sung sướng. Vạn Tiến cho biết, em thích thương hiệu “Ve chai chú Hỏa” bởi vì đây là tên của vị tổ nghề ve chai, người Việt gốc Hoa. Ông xuất thân từ nghề ve chai rồi sau này trở nên giàu có và có rất nhiều những hoạt động, công trình mang tính cộng đồng.
Từ sự ngưỡng mộ và mong muốn tiếp tục sự nghiệp của ông, Vạn Tiến đã quyết định lấy tên chú Hỏa đặt cho thương hiệu của mình và mong rằng mọi sự đều như mong đợi.
Thay đổi mô hình thu mua phế liệu
Vạn Tiến chia sẻ, nhóm của mình thường xuyên thu mua ve chai tại cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, chung cư, trường học… Bởi theo Vạn Tiến, những nơi này sẽ tạo ra nguồn hàng ổn định, dễ truyền đi rộng rãi các thông điệp bảo vệ môi trường mà nhóm hướng tới. Ngoài ra, nhóm của Vạn Tiến cũng đang “công nghệ hóa” công việc thu mua ve chai bằng cách phát triển Fanpage, website chuyên về rác, tạo mạng lưới kết nối rộng hơn.
“Là người khởi tạo nên sự nghiệp em xem đây là sự thành công nhưng chưa trọn vẹn bởi vì mình cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể trở thành mô hình có 1 không 2 tại TP.HCM được mọi người biết đến. Dự tính, từ 5-7 năm nữa nhóm sẽ đạt đến ngưỡng thành công rực rỡ với mức thu nhập từ 50-60 triệu đồng/tháng…” – Vạn Tiến chia sẻ. |
Bên cạnh việc kinh doanh thuần túy, nhóm của Vạn Tiến còn thường xuyên kết hợp với các ban, ngành đoàn thể tại nhiều quận trên địa bàn TP.HCM tổ chức các chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn như chương trình “Đổi rác lấy quà” (nhu yếu phẩm, cây xanh, nông sản sạch…) để tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân. Đặc biệt trong 4 mùa dịch Covid 19 vừa qua, Vạn Tiến cùng đồng đội của mình đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như giúp đỡ cho nhóm người thu gom ve chai, hoạt động 1 đổi 1 (1kg ve chai bất kỳ nhận 1kg gạo) dành cho những người cơ nhỡ… “Ve chai chú Hỏa như một mô hình xã hội hoạt động với mục đích thay đổi mô hình kinh doanh phế liệu truyền thống tại các thành phố lớn, hướng dẫn trực tiếp người dân phân loại rác tại nguồn và hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội… Với phương châm “mua tận gốc bán tận ngọn” mô hình mong muốn đem lại lợi ích cho người dân và góp phần phát triển đô thị” – Vạn Tiến cho biết.
Hiện tại nhóm “Ve chai chú Hỏa” gồm 3 thành viên thu gom chính là Vạn Tiến và 2 bạn hỗ trợ. Bình quân 1 ngày nhóm thu gom trực tiếp từ 800-1.200kg/ngày mang lại nguồn thu nhập hàng triệu đồng cho cả nhóm.
Theo Tiến, không có nghề nghiệp nào là thấp kém mà quan trọng là do suy nghĩ của mỗi người. “Mình có thể làm công việc ai cũng ngưỡng mộ nhưng liệu mình có thật sự yêu thích công việc đó không, mình có thấy hạnh phúc hay không… Trong khi mình làm công việc bị cho thấp kém nhưng đó sẽ làm tiền đề cho mình ngày càng trưởng thành và cảm thấy tự hào về công việc. Ai nói học ngành quản trị kinh doanh ra mua ve chai là không liên quan. Ngành quản trị kinh doanh hỗ trợ mình biết lập kế hoạch, biết tính toán để “biến” nghề mua ve chai truyền thống trở nên cao cấp hơn, hiện đại hơn để góp phần phát triển thành phố…” – Tiến quan niệm.
Hồ Trinh
Bình luận (0)