Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bùng phát bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhi điều trị tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (ảnh chụp ngày 24 -7-2014)
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em dưới 2 tuổi. Đây là bệnh rất dễ lây lan, có nguy cơ làm suy dinh dưỡng thậm chí tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời.
Ngôi nhà xuất hiện dịch tiêu chảy cấp
Dịch tiêu chảy bùng phát ở tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh TP.HCM khiến bé Phạm Nghĩa Tình (10 tháng tuổi) đã bị tử vong vào ngày 12-7-2014. Bà Phạm Thị Linh (bà nội bé Tình) cho biết: “Bé vừa ăn xong thì bị ói sau đó có biểu hiện đi ngoài phân lỏng, gia đình đi mua thuốc chống tiêu chảy cho bé uống. Uống thuốc xong thì không còn tình trạng phân lỏng nhưng đến tối bé có biểu hiện mệt mỏi… Ngay lập tức, gia đình cho bé đi Bệnh viện Nhi đồng 1 để cấp cứu, nhưng bé bị tử vong sau đó với chẩn đoán là sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa…”. Bé H.G.B (10 tháng tuổi) sống cùng nhà với bé Tình cũng bị tiêu chảy cấp và được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1, mới xuất viện khoảng 1 tuần. Chị Hân (mẹ bé B.) chia sẻ: “Bé nhập viện trong tình trạng nôn ói, sốt, tiêu chảy nhiều lần trong ngày… Bé B. bị trước đang điều trị ở bệnh viện thì ở nhà bé Tình cũng bị”. Đường vào nơi có ổ dịch là một con đường đất nhỏ, lầy lội, cây cối mọc um tùm ven đường. Ngoài ra, còn có rất nhiều ao nuôi cá tra, cá trê, cá phi… với nguồn nước tù đọng, không lối thoát. Gia đình bà Linh có 17 người gồm cả người lớn và trẻ em sống trong căn nhà khoảng hơn 30m2 được xây cất tạm bợ, chật hẹp, ẩm thấp. Tất cả người dân trong khu vực có dịch đều chăn nuôi gia súc, gia cầm như chó, mèo, gà, lợn, ngỗng… theo phương pháp “thả rông” nên chúng được đi lại một cách “tự nhiên”, ngay cả trong nhà và chất thải được xả ra một cách bừa bãi. Bà Linh chia sẻ: “Tiền ăn không có, lấy gì xây nhà đi cầu mà quanh đây ai cũng đi cầu xuống ao để lấy phân nuôi cá”. Theo quan sát của chúng tôi thì nước ở các ao đều bị chuyển màu, váng xanh nổi tràn mặt nước, bốc mùi hôi thối. Nhưng nhiều người dân vẫn dùng nước này để rửa thùng và tay sau khi cho cá ăn với lý do “Nước phải mua lại với giá cao”. Đây là khu vực chưa có nguồn nước sạch vào nhà dân nên người dân phải mua lại nước sạch của các hộ ở đầu ấp. Ống nước làm bằng nhựa được đặt dưới lòng đất, nhưng ống nước của gia đình bà Linh thì nằm chênh vênh trên mặt ao nuôi cá do bờ ao bị sạt lở.
Cần bù nước kịp thời…

Ngôi nhà xuất hiện dịch ở Bình Chánh
Đến một số phòng bệnh của Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM có rất nhiều bệnh nhi phải nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp. Nhiều giường bệnh phải nằm ghép từ 2 đến 3 bé. Chị Nguyễn Anh Thư (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ: “Bé nhà tôi được 13 tháng tuổi bữa trước cứ ăn vào là ói hết ra, rồi đi ngoài ngày đến hơn 10 lần, phân lỏng. Tôi cứ nghĩ bé mọc răng nên bị sốt rồi có biểu hiện như vậy nên cũng không cho đi khám ngay. Bữa nay đi khám thì BS nói bị tiêu chảy cấp nên cần phải nằm viện để theo dõi”.
BS. Hoàng Lê Phúc (Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Bệnh tiêu chảy thường do trẻ bị nhiễm virus hay vi trùng trong đường ruột gây nên. Nếu bé bị tiêu phân lỏng, không ra máu thì bệnh kéo dài thường từ 5-7 ngày. Biểu hiện của bệnh là sốt cao liên tục, co giật, nôn ói nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, tiêu phân có máu… Trong trường hợp trẻ bị tiêu lỏng nhiều có thể gây mất nước, thiếu muối. Điều này rất nguy hiểm, trẻ sẽ nhanh chóng bị khô kiệt, suy dinh dưỡng thậm chí có thể tử vong nếu không được bù nước phù hợp và kịp thời”.
Ngay khi nhận được thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh thì Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã khoanh vùng xử lý ổ dịch bằng cách lấy các mẫu nước để xét nghiệm, đồng thời đã phun thuốc diệt khuẩn Cloramin B.
Đối với bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ thì  ăn vào sẽ bị ói nên bé luôn trong trạng thái mệt mỏi, quấy khóc. Vì vậy, nhiều bà mẹ hạn chế cho bé ăn trong khoảng thời gian này, đây là việc làm sai lầm. BS. Phúc nhấn mạnh: “Cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, không nên kiêng cữ, thay đổi chế độ ăn của trẻ và nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần, đút từ từ bằng muỗng vì trẻ dễ bị ói. Đối với trẻ còn bú sữa thì không nên thay đổi sữa hay pha loãng sữa hơn. Trong một số trường hợp trẻ không dung nạp chất lactose trong sữa nên gây tiêu chảy nhiều hơn sau mỗi lần bú thì phải đổi sữa nhưng theo sự tư vấn của nhân viên y tế”.
Một thói quen thường gặp là khi bị tiêu chảy thì các bậc cha mẹ thường cho trẻ uống thuốc chống tiêu chảy nhưng BS. Phúc khuyến cáo: “Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc cầm đi cầu, vì tiêu chảy là do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Hơn nữa trong công tác điều trị tiêu chảy quan trọng nhất là xử trí mất nước nên cần phải bù thêm nước và muối bằng oresol. Các thuốc cầm tiêu chảy là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột làm phân không thải ra ngoài, trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây chướng bụng, viêm ruột thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
 
Phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Theo BS. Phúc để phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em thì các bà mẹ cần nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tập dần cho trẻ ăn dặm và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín uống sôi, tạo thói quen cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, các bậc cha mẹ sau khi cho trẻ đi ngoài cũng cần rửa tay sạch bằng xà phòng. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý tốt phân của trẻ bị tiêu chảy tránh để lây lan thành dịch. Ngoài ra, khi trẻ có biểu hiện tiêu chảy thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
 
 

Bình luận (0)