Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

TP.HCM: Quá tải trẻ mắc bệnh hô hấp

Tạp Chí Giáo Dục

Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 đông chật bệnh nhi và người nhà theo chăm sóc
Từ trung tuần tháng 7, bệnh nhi mắc bệnh hô hấp gia tăng khiến các bệnh viện nhi ở TP.HCM quá tải, cho dù thời điểm này chưa phải “đỉnh” của mùa bệnh. Mỗi ngày, khoa hô hấp ở các bệnh viện tiếp nhận trung bình trên 50 bệnh nhi. Tuy nhiên, cũng có ngày số bệnh nhi nhập viện lên đến con số 100.
Bệnh viện đông như nêm
Từ hồi đầu tháng 7, Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho  gần 300 bệnh nhi với các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hơn 150 giường bệnh của khoa này dường như không có lúc nào trống, thậm chí có khi mỗi giường có tới 2-3 bệnh nhi. Tình trạng thiếu giường điều trị khiến một số bệnh nhi ở thể trạng bệnh nhẹ phải nằm ngoài hành lang cùng với thân nhân.
Ở Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi có phần đông hơn và thậm chí có ngày có đến 100 bệnh nhi nhập viện. Cũng vì ngán ngẩm không khí ngột ngạt ở bệnh viện thị thành, nên vợ chồng chị Thường sau khi nhận kết quả xét nghiệm cho hay con bị viêm phổi, họ đã từ chối “tạm trú” ở phòng 310 vì phòng này có 11 giường bệnh, nhưng giường nào cũng có 3-4 bệnh nhi, vả lại đường đi lại trong phòng chật chội đến nỗi chỉ đủ cho một người “lưu thông một chiều”. Vì vậy họ lập tức xin điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, đến ngày 29-7 khi trở lại khám, BS đã yêu cầu bệnh nhi này điều trị nội trú. Chị Thường đoán rằng có lẽ con chị đã có dấu hiệu trở nặng nên không còn cách nào khác, họ buộc phải “chấp nhận” cho con nằm giường chật trong một phòng chật.
Bà Nguyễn Thị Hương, một thân nhân nuôi cháu ở phòng này trong 6 ngày qua cho hay gia đình chị Thường “như thế là đã may, vì hôm thứ bảy và chủ nhật vừa qua, đa phần các giường đều 4-5 bé do hai ngày này bệnh viện không giải quyết cho bệnh nhi xuất viện. Tuy nhiên buổi sáng đầu tuần, các bệnh nhi cũ vừa xuất viện thì số bệnh nhi mới lại nhập viện nên cũng chẳng có giường nào dưới 2-3 bệnh nhi. Theo lời của bà Hương, cũng vì phòng điều trị chật chội nên nhiều phụ huynh phải giành nhau “chỗ nằm” ở hành lang hoặc nằm vật vạ ở bất kỳ chỗ nào “chiếm được”, miễn là gần chỗ bệnh nhi của gia đình, để phòng khi BS có cần gặp thì họ kịp thời có mặt.
Ở thời điểm này, chuyện nằm phòng chật, nằm hành lang, hoặc nằm ở lối vào nhà vệ sinh để chờ điều trị cho con vì bệnh viện quá tải là điều mà thân nhân bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 phải chấp nhận. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp tưởng rằng bệnh viện nhầm lẫn khi con họ mắc bệnh hô hấp mà lại phải vào nằm điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết hay Tiêu hóa. Ngay như trường hợp hai bé song sinh Nguyễn Trọng Anh Đức và Nguyễn Trọng Anh Khôi (ngụ Đức Hòa, Long An) khi được gọi vào khám tại Khoa Sốt xuất huyết vào sáng 29-7, ông bà ngoại của hai bé cũng lo cháu họ bị sốt xuất huyết, cho đến khi có kết luận “viêm đường hô hấp trên cấp” của BS thì cả hai ông bà mới hết hiểu nhầm. 
Bệnh hô hấp: Không nên xem thường
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, vì số lượng bệnh nhi mắc các bệnh liên quan về đường hô hấp nhập viện trong những ngày qua quá đông nên bệnh viện phải bố trí các bệnh nhi có thể bệnh nhẹ đến các khoa Nội tổng quát, Khoa Nhiễm, Khoa Tiêu hóa để giảm tải cho Khoa Hô hấp. Tuy nhiên, các bệnh nhi này vẫn được điều trị đúng theo phác đồ chung của bệnh liên quan về đường hô hấp.
Theo BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, thời điểm này mới chỉ bắt đầu vào mùa bệnh. “Đỉnh” của bệnh về đường hô hấp thường là từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Ông cảnh báo rằng các bệnh về đường hô hấp sẽ còn tăng cao hơn nữa vào những tháng tiếp theo.
Cũng theo BS. Tuấn, mùa mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh về đường hô hấp phát triển. Sự thay đổi của thời tiết khiến cơ thể trẻ vốn yếu sức đề kháng, lại không kịp thích nghi nên dễ bị các loại virus gây bệnh về đường hô hấp tấn công.
Để phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ, BS. Tuấn lưu ý, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt cho trẻ uống nhiều nước và cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ. Khi chăm sóc trẻ, phụ huynh nên rửa tay và mang khẩu trang. BS. Tuấn còn cảnh báo rằng phụ huynh cần đặc biệt thận trọng không để trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản. Đây là một bệnh viêm cấp tính đường hô hấp dưới, rất dễ chuyển sang tình trạng suy hô hấp.
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng khuyến cáo, các bệnh liên quan về đường hô hấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp cấp, viêm màng não, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.
Bài, ảnh: Bích Vân
Một tháng nhập viện 2 lần
Đó là trường hợp của bé Phúc Điền, 2 tuổi rưỡi (ngụ TP.HCM). Bé Điền trước đó đã điều trị chứng viêm phổi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 gần 20 ngày. Chưa đầy một tuần sau, Điền lại có biểu hiện sốt cao và ho nhiều, nên cha mẹ em lại tức tốc đưa con vào nhập viện sáng 29-7. Cha của Điền cho hay anh rất lo cho con vì sức khỏe của bé chưa kịp hồi phục thì nay lại tái phát bệnh cũ. Người cha trẻ nói rằng vợ chồng anh cũng rất bối rối vì không biết làm cách nào giúp con phòng ngừa căn bệnh trên.
Bà Lê Thị Bé, bà ngoại của bé Nguyễn Thành Đạt (ngụ Cai Lậy, Tiền Giang), sau 6 ngày “ăn cơm bệnh viện” cho hay gia đình bà phấn khởi lắm vì bệnh viêm phổi của đứa cháu nội mới được 1 tháng, 6 ngày tuổi đã điều trị khỏi và sắp xuất viện. Tuy nhiên, gia đình bà Bé vẫn lo canh cánh khi BS cảnh báo rằng phổi của bé yếu từ khi còn trong bào thai, nên dễ bị bệnh hô hấp so với các trẻ khác. Bà Bé nói rằng giải thích của các BS là hợp lý, vì tiền thân con gái bà làm công nhân ngành dệt, nên việc bé Đạt bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. 
 
 

Bình luận (0)