Đã đến lúc ngành thể thao cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề là có nên tiếp tục tổ chức SEA Games 31 vào cuối năm nay khi chỉ còn 6 tháng nữa đến đại hội. Trong khi đó rất nhiều công việc quan trọng đang “án binh bất động” và đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đội U.23 Việt Nam với mục tiêu bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games 31 nhưng thời điểm này, BTC đại hội vẫn đang bị chậm tiến độ
Hoãn hội nghị trưởng đoàn vì chưa chuẩn bị kịp
Theo dự kiến, hội nghị trưởng đoàn các nước tham dự SEA Games 31 được tiến hành trực tuyến vào ngày 21.5, nhưng ban tổ chức (BTC) đã phải hoãn đến ngày 15.6. “Buộc phải hoãn vì đến thời điểm này, chúng tôi chưa chuẩn bị được hết những vấn đề cần phải báo cáo với các đoàn. Khối lượng công việc rất “khổng lồ” mà trong đó có những đầu việc chưa thể bắt tay vào làm hoặc đã làm nhưng chỉ được một phần rất nhỏ. Cũng có đầu việc nếu chỉ ngành thể thao thì không thể tự quyết được nên vẫn đang dở dang. Chúng tôi yêu cầu các tiểu ban phải hoàn tất 2 báo cáo, gồm báo cáo về sự chuẩn bị cơ sở vật chất – chuyên môn và đặc biệt là bản báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở khu vực Đông Nam Á”, một thành viên BTC chia sẻ.
Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của Việt Nam thật không may mắn khi bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi Covid-19. Ông Trần Đức Phấn – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, đã nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo về tiến độ chậm trễ so với kế hoạch mà nguyên nhân cơ bản chính là dịch bệnh. Đến thời điểm này, kinh phí cho công tác tổ chức (vào khoảng gần 1.700 tỉ đồng) vẫn đang chờ phê duyệt và chưa biết cụ thể thời gian nào, BTC mới được cấp. Khi đất nước đang gồng mình chống dịch, việc chi một khoản tiền lớn (dù đã được BTC tính toán để tiết kiệm hơn dự toán ban đầu) cũng là điều đáng để suy ngẫm.
Một loạt các tiểu ban của BTC đại hội vẫn chưa thể vận hành hoặc đang phải đối mặt với những vấn đề không dễ giải quyết. Tiểu ban Y tế – một trong những tiểu ban đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành được bất kỳ một cuộc họp nào vì trưởng tiểu ban hiện là lãnh đạo ngành y tế, còn đang rất bận với công tác chống dịch của cả nước. Khi tiểu ban này chưa đưa ra những ý kiến cụ thể, các tiểu ban khác chưa có cơ sở để thực hiện phần việc của tiểu ban mình. Việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 cũng chỉ mới dừng ở kế hoạch, chứ chưa rõ bao giờ tiêm, trong khi nhiều nước trong khu vực đã được tiêm hai mũi.
Nhiều kế hoạch còn đang rất mơ hồ
Các số liệu có liên quan đến đại hội, xin được cung cấp như sau: Hơn 10.000 người thuộc 11 đoàn dự SEA Games 31, trong đó có 3.100 trưởng đoàn, cán bộ, HLV; 7.000 VĐV; 300 quan chức của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, các liên đoàn thể thao quốc tế, khách mời; 2.300 trọng tài, giám sát; 3.000 nhân viên tình nguyện; 1.300 nhân viên phục vụ tổ chức thi đấu; 500 người thuộc BTC các môn; 800 người thuộc ban chỉ đạo, BTC, thành viên các tiểu ban ở T.Ư và địa phương; 1.500 phóng viên. Như vậy, tổng số sơ bộ khoảng 19.850 người (chưa kể lực lượng công an, quân đội tham gia bảo vệ đại hội). Còn đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Paragames 11) có khoảng 3.030 người tham dự. Nếu trong điều kiện bình thường, số lượng người tham dự hai đại hội như kể trên, không có gì là “đồ sộ”. Nhưng cuối năm nay, chắc chắn dịch bệnh chưa thể được khống chế hoàn toàn, thì công tác đón tiếp thực sự trở thành một bài toán nan giải. Một câu chuyện rất đáng lo khác nữa là hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến ở mức cực kỳ nghiêm trọng ở một số nước trong khu vực. Vậy mà đến giờ phút này, BTC đại hội cũng chưa thể thiết lập một kịch bản về việc đón tiếp các đoàn nước ngoài như thế nào để đảm bảo an toàn y tế tuyệt đối.
Tiểu ban Hậu cần và dịch vụ công cộng chưa biết Việt Nam sẽ lựa chọn phương án nào, hoặc tiến hành cách ly hoặc nếu các đoàn đều đã có hộ chiếu vắc xin Covid-19 trước khi sang Việt Nam thì nên được miễn cách ly. Và nếu trong trường hợp phải cách ly các đoàn, các thành viên quốc tế thì sẽ cách ly ở đâu khi hiện tại chưa ký được hợp đồng với các khách sạn (SEA Games 31 sẽ không bố trí làng VĐV). Kinh phí cho việc cách ly sẽ lấy ở nguồn nào bởi trong dự toán nguồn chi cho hai đại hội, không có mục này. Tiểu ban Lễ tân, khánh tiết chưa thể tiến hành công tác tuyển chọn tình nguyện viên khi dịch bệnh đang rất phức tạp. Tiểu ban Giao thông, Tiểu ban Tài chính – cơ sở vật chất và vận động tài trợ cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Một quan chức Tổng cục TDTT cho hay: “Hằng ngày tôi vẫn nhận được điện thoại hay tin nhắn của đại diện các đoàn, hỏi về việc nếu sang Việt Nam, họ sẽ cách ly bao lâu, ở đâu và có được tập luyện trong quá trình cách ly không. Một loạt những câu hỏi khó mà chúng tôi chưa thể có câu trả lời. Phương án không đón khán giả nước ngoài đến các sân vận động, các nhà thi đấu đã được tính đến nhưng chưa thể thực hiện bằng văn bản vì chưa có ý kiến của bộ phận y tế. Và nếu không đón khán giả quốc tế thì Việt Nam có đồng ý đón khán giả trong nước không hay là sẽ thi đấu kín toàn bộ để đảm bảo an toàn. Nếu đón khán giả thì thực hiện giãn cách ra sao. Mọi thứ mới chỉ là gạch đầu dòng chứ chưa có kế hoạch cụ thể. Tại hội nghị trưởng đoàn, chúng tôi sẽ hỏi ý kiến các nước là họ chọn phương án nào, có nên tiếp tục tổ chức SEA Games 31 vào cuối năm (từ 21.11 – 2.12) hay hoãn đến thời điểm khác phù hợp hơn”.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)