Bộ Y tế vừa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola. Đây là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch. Virus có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm. Người cũng có thể mắc Ebola do tiếp xúc với các dụng cụ hoặc đồ vật của bệnh nhân bị nhiễm như quần áo, chăn, kim tiêm đã sử dụng. Thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn/buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân bị phát ban, ban đầu ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. Triệu chứng xuất huyết gồm: Đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho máu, chảy máu chân răng; đái máu và chảy máu âm đạo.
Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ như hạ nhiệt, giảm đau bằng Paracetamol; cho bệnh nhân uống Oresol để bù nước; truyền máu và các chế phẩm của máu… Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của bộ…
H.Triều
Bình luận (0)