Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Có năng lực không lo thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Làm thế nào để tìm được công việc như ý sau khi tốt nghiệp, liệu công việc mà mình chọn có phù hợp với nữ không và hàng loạt băn khoăn trước thềm xét tuyển vào ĐH, CĐ của học sinh đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 năm 2021 diễn ra mới đây tại Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, Trường THPT Ngô Quyền và Trường THPT Tam Hiệp (tỉnh Đồng Nai).


Ban tư vấn đang trả lời câu hỏi của học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM.

Không phân biệt nam, nữ

Không còn bao lâu nữa là học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021, do đó, song song với việc lựa chọn một ngành nghề, bậc học, trường học phù hợp thì hầu hết học sinh đều quan tâm đến vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Điển hình như trường hợp của một nữ sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, em chia sẻ: “Em có ý định học ngành công nghệ thông tin nhưng không biết cơ hội việc làm có bằng nam hay không?”. Để học sinh này an tâm, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn, được nhiều học sinh  quan tâm. Ngành công nghệ thông tin có các chuyên ngành như quản trị mạng máy tính, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng… Học ngành này sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội làm việc với mức thu nhập tốt. “Công nghệ thông tin cũng như nhiều ngành nghề khác không phân biệt nam hay nữ, thậm chí có nhiều ngành nghề còn ưu tiên nữ. Bởi dù là nam hay nữ thì mỗi giới sẽ có những tố chất khác nhau, tùy vào vị trí sẽ phù hợp với các em; do đó, nếu các em có đam mê, yêu thích cứ mạnh dạn lựa chọn” – ThS. Dũng cho biết.


Học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc

Liên quan đến ngành công nghệ thông tin, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, công nghệ thông tin được xã hội rất quan tâm, đang thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì lẽ đó nên nhiều trường cũng cho phép sinh viên ngành khác chuyển sang ngành công nghệ thông tin đón đầu xu thế. “So với nam, nữ thường có tính cần cù, tỉ mỉ, khéo léo nên việc lựa chọn ngành công nghệ thông tin hoàn toàn phù hợp” – ThS. Phương nói.

Cơ hội việc làm phụ thuộc vào năng lực

Tại Trường THPT Ngô Quyền, em Diệu Huyền (lớp 12A7) băn khoăn: “Em nghe nói học quản trị kinh doanh ra trường có việc làm ổn định. Thông tin này có đúng vậy không?”. ThS. Võ Thành Trung (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay, sinh viên học ngành này sẽ được đào tạo nhiều kiến thức liên quan đến tài chính, kế toán, marketing, ngân hàng…, tùy vào định hướng việc làm sau khi ra trường các em có thể lựa chọn chuyên ngành phù hợp. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, quản trị kinh doanh là ngành học lâu đời, ngành mũi nhọn của trường, vì vậy khi học ngành này sinh viên sẽ có cơ hội học tập cùng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, khi học tại trường, năm học thứ 3, sinh viên sẽ được tham gia thực tập thực tế tại doanh nghiệp, đến năm thứ 4 nhà trường tổ chức ngày hội việc làm giúp các em tìm kiếm cơ hội việc làm. “Việc có tìm kiếm việc làm ổn định với mức thu nhập tốt hay không phụ thuộc vào năng lực của các em, do đó, nếu các em thật sự cố gắng và phấn đấu thì chắc chắn sẽ đạt được ý muốn” – ThS. Trung cho biết.


Đại diện ban tư vấn hướng dẫn học sinh Trường THPT Ngô Quyền cách đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ


Học sinh Trường THPT Tam Hiệp đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Nói về ý nghĩa của chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”, thầy Phạm Tiến Chương (Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân) cho rằng chương trình rất bổ ích cho học sinh của trường trong thời điểm các em sắp đăng ký thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn ngành nghề ở bậc ĐH, CĐ.

Trả lời câu hỏi về ngành công nghệ thực phẩm của một số học sinh Trường THPT Tam Hiệp, ThS. Hồ Thanh Tình (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết ngành này có nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, vì hiện nay ngành thực phẩm không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Cho nên khi học ngành công nghệ thực phẩm, tốt nghiệp ra trường người học có thể làm việc ở các công ty, trung tâm nghiên cứu, quản lý môi trường… Bên cạnh đào tạo kiến thức, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn có nhiều CLB giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng để sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay vào làm việc ngay. Năm 2021, trường tuyển sinh theo các phương thức: dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng; dựa vào học bạ; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và kỳ thi riêng của trường. ThS. Tình cho hay: “Những học sinh yêu thích ngành công nghệ thực phẩm có thể đăng ký xét tuyển ngay từ bây giờ vì việc đăng ký xét tuyển càng sớm giúp cơ hội trúng tuyển càng cao”. Tương tự, với câu hỏi: “Mất bao nhiêu năm để trở thành thẩm phán?” của một học sinh, ThS. Phạm Võ Thảo Liên (đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Sau 4 năm học ngành luật, sinh viên sẽ được tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân luật. Muốn hành nghề luật sư, các em phải mất thêm một khoảng thời gian để đi học thêm chứng chỉ và từ 9-10 năm sau đó mới có thể trở thành thư ký trong các tòa án. Làm thư ký cho đến khi đủ kinh nghiệm mới trở thành thẩm phán; tuy nhiên, các giai đoạn đều được xét duyệt và được bổ nhiệm, điều quan trọng nhất vẫn là năng lực của bản thân. “Muốn đạt được vị trí mà mình mong muốn, trước tiên các em phải đậu vào ngành luật để học tập, khi kiến thức và kinh nghiệm đã “chín mùi” thì chúng ta sẽ chinh phục được ước mơ” – ThS. Liên khẳng định.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Bình luận (0)