Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tẩy chay nhãn hàng thời trang có đường lưỡi bò

Tạp Chí Giáo Dục

Website phiên bản tiếng Trung của một số nhãn hàng thời trang như H&M, Chanel, Gucci có hình bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay sản phẩm của các hãng trên từ phía người tiêu dùng Việt Nam trên mạng xã hội.

 Cửa hàng của H&M dù vào ngày cuối tuần vẫn vắng vẻ Ảnh: Việt Linh

Cửa hàng của H&M dù vào ngày cuối tuần vẫn vắng vẻ Ảnh: Việt Linh

Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ

Sau khi rộ lên thông tin về nghi vấn H&M ủng hộ “đường lưỡi bò” khi đăng hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền của Việt Nam, làn sóng tẩy chay các sản phẩm này tràn ngập trên mạng xã hội. Trên trang fanpage Facebook chính thức của H&M tại Việt Nam, các bài đăng của hãng đều nhận được hàng chục nghìn lượt phẫn nộ và bình luận phản đối. Động thái chung của người tiêu dùng là kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của H&M tại Việt Nam. “Sao thương hiệu quốc tế lại đi ủng hộ đường lưỡi bò, trong khi các nước lớn trên thế giới còn đang lên án chính sách bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc. Tôn trọng người dùng Trung Quốc mà sao lại coi thường người tiêu dùng Việt Nam?”, tài khoản Minh Kha bày tỏ quan điểm.

Trên mạng xã hội Facebook, H&M Việt Nam có bài đăng cuối vào ngày 2/4, sau đó liên tiếp hứng chịu chỉ trích, phẫn nộ đòi tẩy chay từ người dùng Việt. Dưới bài viết có nội dung “Cùng H&M tiếp tục hành trình hướng đến thời trang bền vững tại Việt Nam” đăng ngày 29/3, tính đến trưa ngày 4/4, có tổng cộng 80.000 lượt phẫn nộ cùng hàng chục nghìn bình luận phản đối bản đồ có “đường lưỡi bò”. Một bài viết đăng chiều ngày 2/4 về sản phẩm dành cho nam, đến chiều ngày 4/4 có 61.000 lượt phẫn nộ.

Không chỉ phẫn nộ trên mạng xã hội, nhiều người còn rất bức xúc và kêu gọi bạn bè tẩy chay thương hiệu này vì kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Tài khoản Lương Tuấn Phi bình luận tại bài viết trên trang Fanpage của H&M: “Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền”. Lời bình luận này đã nhận được tới 6.800 ý kiến đồng tình, hàng trăm bình luận ủng hộ.

Nhiều trang Fanpage anti H&M được lập ra trên mạng xã hội Facebook và nhanh chóng nhận được sự tham gia của hàng nghìn lượt tham gia như H&M anti với 1,9 nghìn người tham gia.

Thậm chí, cư dân mạng còn đăng tải loạt hình ảnh, video vứt bỏ, cắt nát sản phẩm được cho là mang thương hiệu H&M. Đến nay, hãng này chưa có động thái gì trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.

Chiều 4/4, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ đại diện H&M tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhưng hãng này cho biết chưa có bất cứ bình luận nào về sự việc.

Không chỉ H&M, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như : Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… bị phát hiện công khai đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website phiên bản tiếng Trung. Chỉ cần vào website phiên bản tiếng Trung của các nhãn hãng này, người dùng dễ dàng bắt gặp phần bản đồ hiển thị định vị cửa hàng ở đầu trang. Chỉ cần thu quy mô của bản đồ ra khu vực châu Á, người xem dễ dàng nhìn thấy hình ảnh “đường lưỡi bò” sắc nét, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Các cửa hàng vắng khách

Làn sóng tẩy chay H&M của người dùng Việt xuất hiện dày đặc khắp mạng xã hội đã “lan” tới chuỗi cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội. Dịp nghỉ cuối tuần vừa qua, các cơ sở của H&M vắng khách, dù đặt tại các trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất Thủ đô. Tình cảnh này đối lập hoàn toàn với những gì diễn ra trước đó, khi H&M thu hút nhiều khách Việt tới mua sắm trong những dịp khai trương, giảm giá, nghỉ lễ, cuối tuần.

Khảo sát của phóng viên ngày 4/4, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng cửa hàng H&M tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhiều thời điểm không người qua lại, nhân viên đông hơn khách hàng. Tình trạng này xảy ra tương tự tại 3 địa chỉ H&M còn lại ở Hà Nội. Một số người có mặt tại cửa hàng H&M cho biết, đến đây vì tò mò. Khi đi dạo trong trung tâm thương mại nên khách hàng vào xem “mặt mũi” thương hiệu đang bị tẩy chay ra sao, chứ không có ý định mua hàng.

Có mặt tại Việt Nam từ tháng 9/2017, chỉ sau 4 tháng kinh doanh, H&M báo doanh thu năm 2017 đạt 227 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng. Các năm 2018, 2019, doanh thu lần lượt đạt 763 và 1.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 13 và 57 tỷ đồng. Tính trung bình, năm 2019, người Việt chi hơn 3 tỷ đồng/ngày mua sắm đồ H&M. Đến nay, thương hiệu thời trang Thuỵ Điển này có 11 cửa hàng trên cả nước. Dự kiến, cuối tháng 4/2021, H&M có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ 12, đặt tại Gia Lâm (Hà Nội).

Tuy có số lượng cửa hàng áp đảo các thương hiệu cùng phân khúc như Zara, Pull & Bear, Stradivarius… nhưng theo số liệu của Cty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), lợi nhuận của H&M vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với các đối thủ.

Trên toàn cầu, năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lượng hàng tồn kho kỷ lục trị giá 4.2 tỷ USD, H&M buộc phải đóng cửa 300 địa điểm, cho thôi việc 16.000 nhân viên. Trước đó, nhiều cửa hàng của thương hiệu này tại Nam Phi bị đập phá, phải đóng cửa do dính bê bối phân biệt chủng tộc.

Theo TPO

 

Bình luận (0)