Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rau củ sạch liệu có sạch?

Tạp Chí Giáo Dục

Nên chọn mua các loại thực phẩm sạch có địa chỉ cụ thể và thương hiệu uy tín
Hiện nay, điều lo lắng nhất của các bà nội trợ là làm sao mua được thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh. Bởi lẽ, trước “trận đồ bát quái” của các loại mang nhãn mác thực phẩm “sạch” đang bày bán lề đường, ngoài chợ và cả trong siêu thị thì đôi khi người tiêu dùng cũng bị “dính bẫy”.
Mau héo bất thường
Vốn thích ăn chả giò chiên nên chị Nguyễn Thị Thành – ngụ ở đường Nguyễn Xí, P.13, Q.Bình Thạnh thường ra chợ Cầu Đỏ mua mấy bó rau diếp ăn kèm. Thế nhưng, trước bữa ăn chiều khi đứa cháu gái đưa bó rau ra chậu nước rửa thì 2 tay dính đầy nhớt và có mùi lạ. Biết rau đã bị tẩm hóa chất để kéo dài “tuổi thọ” sau khi thu hoạch, chị Thành đành bỏ nguyên cả bó rau vào thùng rác. Chị Thành kể: “Mỗi sáng đi tập thể dục qua chợ lúc 5 giờ tôi thấy người ta thường nhúng rau vào một xô nước trước khi đem ra bán. Ban đầu cứ nghĩ đó là thứ nước sinh hoạt bình thường nhưng qua tìm hiểu mới biết người bán pha hóa chất để làm tươi rau”.
Đi làm về trễ, không có thời gian ghé vào chợ nên chị Lê Thị Thảo – nhà ở đường D5, Q.Bình Thạnh, thường ghé hai bên đường Điện Biên Phủ mua mấy bó rau muống, rau ngót về nấu canh. Dù là mua của mấy xe đẩy 2 bên đường nhưng rau ở đây bán lúc nào cũng non mơn mởn và tươi xanh như mới cắt ngoài ruộng về. Thế nhưng, không hiểu sao chỉ cần về đến nhà khoảng vài tiếng đồng hồ là rau ủ rũ, cành cụp xuống nhanh chóng và sau đó lá rụng đồng loạt. Tuy không phát hiện ra hóa chất trong rau nhưng nghe lời khuyên của gia đình, từ đó trở đi chị Thảo không dám mua rau tại mấy chiếc xe đẩy trôi nổi ngoài đường nữa.
So với chợ truyền thống, tuy giá cả trong các siêu thị Co.opmart hay Big C có nhỉnh hơn một chút nhưng hiện nay, nhiều bà nội trợ đã đem niềm tin vào những nơi có uy tín và thương hiệu để mua sắm thực phẩm phục vụ bữa cơm hàng ngày trong gia đình.
Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý “thượng đế”, hiện nay các siêu thị lớn nhỏ đều ưu tiên đưa thực phẩm sạch vào các gian hàng kinh doanh. Tại siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận hầu hết các loại rau đều có xuất xứ từ các cơ sở sản xuất uy tín như Phước An, An Phước, Hưng Phát, Phú Lộc. Từ rau muống đến rau ngót hay cải xanh đều được cho “ra lò” từ kỹ thuật trồng rau sạch VietGAP.
Chưa hết lo ngại
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Hoán – Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bảo Lộc (Lâm Đồng) thì VietGAP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Vietnamese Good Agricultural Practices có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2008 dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân và nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Chọn đất trồng, nguồn nước tưới, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các biện pháp khác, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và bảo quản là 10 bước quy định không thể thiếu được theo tiêu chuẩn VietGAP. Chính vì thế khách hàng thật sự an tâm khi chọn lựa đúng sản phẩm rau củ theo kỹ thuật trồng rau sạch VietGAP. Chị Thành chia sẻ: “Vào siêu thị bây giờ tôi đã có thói quen chọn các bó rau được đóng gói bên ngoài có ghi dòng chữ “Rau an toàn VietGAP”. Nếu có thêm dòng chữ “Sản phẩm được kiểm soát tồn dư kim loại nặng và lượng thuốc bảo vệ thực vật” tôi lại càng an tâm hơn”.
Tuy nhiên, theo chị Thảo, bên cạnh các loại rau có bao bì nhãn mác và địa chỉ rõ ràng trong siêu thị vẫn có những mặt hàng nhất là củ quả chỉ ghi những địa chỉ chung chung như: “Xuất xứ tại miền Tây, xuất xứ từ Đà Lạt”mà không hề có căn cứ nào cả. Rõ ràng đây cũng là điều lo ngại thường trực của số đông người tiêu dùng vì thực tế, có nhiều lô hàng thực phẩm “bẩn” đã khéo léo tìm cách luồn lách vào các siêu thị lớn một cách bất hợp pháp mà thời gian qua báo chí đã phản ánh. “Vào một siêu thị lớn trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp tôi thật sự thắc mắc thấy ghi trên kệ là tỏi Lý Sơn, hành Lý Sơn mà bên dưới lại có chú thích xuất xứ ở miền Tây. Các loại trái cây ngoại rất giống hàng Trung Quốc nhưng đều tự dán mác từ Mỹ, New Zealand chứ không có một căn cứ nào xác thực. Nếu cơ quan chức năng không chịu kiểm tra liên tục thì làm sao chúng tôi biết được thật giả, trắng đen. Sức khỏe người tiêu dùng vẫn cứ bị đe dọa” – chị Thảo phân trần.
Bài, ảnh: Quang Phan
Ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe
Kỹ sư Nguyễn Văn Hoán cho biết, hiện tượng rau tươi non bất thường để phơi ngoài nắng cả ngày không héo lâu tàn rõ ràng là chuyện không bình thường. Bởi vì sau khi thu hoạch, thiếu nguồn cung cấp dinh dưỡng mà cụ thể là từ cây mẹ thì rau củ khó giữ được độ tươi non như ban đầu. Theo kỹ sư Hoán, hiện nay có rất nhiều loại rau củ được bảo quản bằng công nghệ sinh học để giữ độ tươi trước khi đem ra thị trường. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng thì các loại hóa chất đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng. 
 
 

Bình luận (0)