Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hội thảo “Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29/10/2020, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam”.

Tại điểm cầu Nhà Quốc hội với sự điều hành của ông Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội,  ông Karasawa Masayuki, Cố vấn trưởng Dự án JICA.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, việc giáo dục cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng có vai trò rất quan trọng, giúp cho học sinh tìm hiểu về Quốc hội, giá trị dân chủ mà Quốc hội đang đại diện, qua đó giúp học sinh hiểu được sự tham gia của người dân vào hoạt động của Quốc hội.

Thông qua các Phiên họp mô phỏng Phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chương trình lồng ghép nội dung các Luật nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Đồng thời, Chương trình cũng góp phần rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, nhất là khả năng làm việc tập thể và phát biểu trước công chúng.

Phát biểu tại hội thảo ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ thông tin, Văn phòng Quốc hội cho biết, kết quả điều tra nhận thức của người dân về Quốc hội thực hiện năm 2011 cho thấy chỉ có 20% người dân có nhận thức đầy đủ về Quốc hội. Vì vậy, năm 2017, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản triển khai Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam. Đối tượng tham gia chương trình chủ yếu là học sinh bậc Trung học cơ sở, đặc biệt là học sinh lớp 8 vì trong chương trình có môn học tìm hiểu về nhà nước và pháp luật.

Tại chương trình, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD – ĐT đánh giá cao Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam do Văn phòng Quốc hội Việt Nam thực hiện. Đây là một trong những hoạt động cần thiết, bổ ích nhất là trong thời điểm Việt Nam triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giúp cho học sinh các cấp học có thêm kiến thức, hiểu biết về lịch sử hình thành, phát triển, vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Nhà báo Tạ Bích Loan đề xuất tổ chức các sự kiện gắn chương trình trải nghiệm Quốc hội với các sự kiện lịch sử, đưa chương trình tiếp cận với khán giả trẻ qua nhiều nền tảng khác nhau…

Ông Đặng Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm và đại diện Trường tiểu học Vinschool mong muốn Chương trình được mở rộng cho các đối tượng học sinh các khối tiểu học và trung học phổ thông, không chỉ tập trung vào học sinh lớp 8. Bên cạnh đó, tiến hành truyền thông bằng nhiều hình thức để giới thiệu về hoạt động của Quốc hội giúp nhiều đối tượng được tiếp cận hơn.

Ngoài ra, đại diện các nhà trường cũng mong muốn Ban tổ chức Chương trình sẽ xây dựng các kịch bản phù hợp với từng đối tượng học sinh để Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho học sinh đạt hiệu quả cao hơn; tìm các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham gia Chương trình.

Theo ông Lê Đức Tiến – đại diện Đơn vị cung cấp các giải pháp giáo dục, thiết bị tương tác thông minh cho Chương trình: Chúng tôi cho rằng, việc ứng dụng các giải pháp, thiết bị tương tác thông minh sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn, thú vị cho Chương trình, mang lại những trải nghiệm chân thực nhất trong Phiên họp mô phỏng Phiên họp toàn thể của Quốc hội – nơi các em sẽ được đóng vai thành các vị đại biểu Quốc hội.

Từ năm 2017 đến nay, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã tổ chức hơn 40 Chương trình cho hơn 3.600 nghìn học sinh, đưa hình ảnh Quốc hội gần hơn với công chúng, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết của thế hệ trẻ với Quốc hội…

Thanh Dung

Bình luận (0)