“Đã gần một tháng nay, kể từ ngày đầu tiên phát hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2, chúng tôi chưa về nhà. Gần 30 năm làm việc, với tôi chưa có khi nào căng thẳng đến vậy. Những ngày này, anh em chúng tôi luôn sát cánh bên nhau, động viên nhau, chạy tiếp sức cho nhau để kịp thời vận chuyển bệnh nhân”. Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng bộc bạch!
Tiền tuyến gọi là lên đường
Cách nay hơn một tháng, trên trang mạng xã hội Facebook, bác sĩ Ánh Hồng đăng dòng trạng thái vui tươi: “Sắp gặp lại các tình yêu của mình rồi, sau 30 năm hội ngộ chắc vui lắm đây. Hẹn gặp nhau tại thành phố Huế mộng mơ nhé!”. Chỉ 5 ngày sau đó, lời hẹn bị lùi vô thời hạn khi Đà Nẵng công bố phát hiện 2 ca mắc Covid-19, sau 90 ngày ròng rã dịch không phát trong cộng đồng. Số ca bệnh tăng lên từng ngày, ngành y tế kích hoạt cơ chế phòng chống dịch ở mức độ cao nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc các y bác sĩ làm việc nơi tuyến đầu phải tạm rời xa gia đình, xa những bữa cơm nhà, cùng đồng đội sát cánh bên nhau chống dịch.
Trạm 115 Hải Châu, nơi bác sĩ Ánh Hồng đang sát cánh cùng đồng đội có tất thảy 20 y bác sĩ – 20 chiến sĩ làm cấp cứu ngoại viện ở tuyến đầu. Nhiều người trong số họ còn rất trẻ, có con nhỏ. Đơn cử như y sĩ Đậu Thị Dũng (38 tuổi). Dũng có 3 đứa con, cháu lớn 10 tuổi, cháu nhỏ nhất 3 tuổi. Chồng Dũng là bộ đội Hải quân Vùng 3. Hôm nhận lệnh lên đường, Dũng chỉ kịp dặn dò và giao phó con lại người chị gái vừa mới ở quê vào chơi, nhắn tin cho chồng, xong là đi. Mỗi ngày Dũng theo các chuyến xe cấp cứu chở bệnh nhân, có khi xuyên đêm. Thời gian gặp chồng con qua các cuộc gọi video của mạng xã hội Zalo hay Facebook thật hiếm. “Mình làm cấp cứu ngoại viện nên có điện thoại là đi. Với ca di chuyển xa thì không kể đêm ngày, không kể ca trực. Đôi lúc về tới trạm đã nửa đêm rồi, muốn gọi cho con nhưng sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng, thế là nén nỗi nhớ lại, chờ ngày mai”, Dũng nói.
Những chiến sĩ 115 được đồng đội tiếp sức sau những ca vận chuyển bệnh nhân xuyên ngày đêm
Bác sĩ Ánh Hồng kể, từ ngày 28-7, cả 3 bệnh viện lớn ở Đà Nẵng thực hiện lệnh phong tỏa, anh em Trung tâm 115 cùng quyết tâm ở lại vùng “rốn dịch” 14 ngày, sát cánh cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp di chuyển các bệnh nhân ra khỏi vùng có dịch, bất kể ngày, đêm. Bác sĩ Ánh Hồng tự sự: “Đà Nẵng những ngày giãn cách xã hội, bên ngoài im ắng, đến tiếng động của chiếc lá rơi mình cũng có thể nghe được, nhưng ở trong Bệnh viện Đà Nẵng, các y bác sĩ đang căng mình cứu chữa cho những bệnh nhân nặng vừa triển khai dập dịch. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ, đồng hành cùng họ”.
Trạm 115 đóng ở quận Hải Châu – nơi có cùng lúc 3 bệnh viện lớn bị phong tỏa. Những ngày sống và làm việc trong tâm dịch, ai cũng nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình nhưng không một ai thể hiện ra ngoài, dù chỉ một tiếng thở dài thật khẽ. “Hôm nay đứa mô muốn ra khỏi hàng rào?” – Đáp lại lời bác sĩ Ánh Hồng là câu đồng thanh: “Tụi con ở lại chiến đấu hết cô ơi”. Bác sĩ Ánh Hồng nói: “Thú thật trong cuộc chiến này đã có đôi lúc chúng tôi đuối sức, nhưng trận chiến còn dài chúng tôi không bỏ cuộc. Hình ảnh cắt tóc cho nhau, trước đây chúng tôi đã từng khóc khi thấy trên mạng thì đã đến lượt chúng tôi, vì nhiệm vụ”.
Những ngày chưa từng trải
Y sĩ Đậu Thị Dũng tranh thủ mấy phút đồng hồ ít ỏi giữa giờ nghỉ, nói qua điện thoại: “15 năm làm nghề, chưa bao giờ em căng thẳng như vậy, phần vì lo cho con còn quá nhỏ, lo đồng nghiệp và lo nhiều thứ khác, dịch bệnh thì diễn biến khó lường”. Còn bác sĩ Ánh Hồng chia sẻ, gần 30 năm trong nghề, từng vượt gió, cưỡi sóng ra Hoàng Sa cấp cứu bệnh nhân hàng trăm lần, nhưng chưa bao giờ căng như “cuộc chiến” này. Anh em làm việc hết tốc lực, yêu cầu bảo hộ để tránh lây nhiễm rất nghiêm ngặt và không ai được trở về nhà kể từ khi có lệnh ra tuyến đầu chống dịch. Khổ nhưng chúng tôi vẫn nắm chặt tay nhau, không một ai quay đầu, không một ai chùn bước, xông thẳng vào nơi nguy hiểm nhất, chung tay nơi tuyến đầu chống dịch. Có những ngày không được nghỉ ngơi, đôi khi thức xuyên đêm vận chuyển bệnh nhân cũng là chuyện thường. Nhiều chuyến xe, các y bác sĩ phải vượt 240 cây số ra đến Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) rồi quay về cho chuyến tiếp. Nhiều đồng nghiệp tôi vắt kiệt sức mình cho những chuyến cấp cứu, nhiều y bác sĩ đã phải nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp. “Ở đây, giữa những ngày cách ly, để làm dịu bớt căng thẳng cho anh em, chúng tôi thường kể về những câu chuyện vui, những tình huống hài hước trong quá trình làm nhiệm vụ. Những tiếng cười như thế xoa dịu tinh thần và tiếp thêm niềm tin cho mọi người”, bác sĩ Ánh Hồng kể.
Bất kể ngày đêm, các chiến sĩ 115 luôn sẵn sàng cấp cứu ngoại viện
Hôm Bệnh viện C rồi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng cùng một số khu dân cư, các đoạn đường trên địa bàn quận Hải Châu được gỡ bỏ lệnh phong tỏa, các y bác sĩ 115 cũng thức thâu đêm trong háo hức chờ đợi: “0 giờ! Chúng tôi cùng nhau bắt đầu đếm ngược. Khoảnh khắc chờ đợi sau 14 ngày quyết tâm ở lại vùng tâm dịch. 14 ngày với biết bao cung bậc cảm xúc trong mỗi chúng tôi. 14 ngày chạy đua với thời gian, thần tốc, gian nan để hoàn thành sứ mệnh “phong tỏa toàn bộ bệnh nhân ra khỏi rốn dịch”. 0 giờ đêm nay, hàng rào cách ly sẽ được dịch chuyển vào thêm 200m, vậy là “đại bản doanh” của chúng tôi được dỡ bỏ phong tỏa. Ngày mai, chúng tôi sẽ được về với gia đình, sẽ gặp lại những người thân yêu sau 14 ngày tham gia cuộc chiến. Chỉ gặp trong chốc lát cho đỡ nhớ thôi, rồi chúng tôi sẽ quay lại vị trí tiếp tục chiến đấu vì trận chiến vẫn còn đang cần chúng tôi. Đêm nay chúng tôi không ngủ để ghi lại những hình ảnh “đội cảm tử” bên nhau suốt 14 ngày qua”.
Đường phố Đà Nẵng vẫn lặng yên giữa những ngày giãn cách. Nhưng trong Trạm 115 Hải Châu và các trạm 115 khác trên toàn thành phố, ánh đèn điện vẫn sáng, những chiếc xe cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường. Đằng sau chiếc áo bảo hộ màu xanh, những trái tim chiến sĩ 115 luôn ấm nóng. Ngày mai, ngày kia và có thể nhiều ngày nữa, họ tiếp tục hành trình đầy gian nan, vất vả… “Cuộc chiến chống lại kẻ thù giấu mặt còn dài. Chúng tôi sẽ không ngã quỵ. Hãy tin ở chúng tôi. Bình yên lại về với Đà Nẵng”, bác sĩ Ánh Hồng nhắn nhủ. |
Hạnh phúc của những chiến sĩ 115 trên tuyến đầu những ngày này là những chuyến xe đưa bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh về với gia đình. “Cũng thực hiện nhiệm vụ chống dịch, nhưng hôm nay trên những chuyến xe chở bệnh nhân Covid-19, chúng tôi không còn nhìn thấy những khuôn mặt buồn bã, lo sợ và hoang mang nữa, mà thay vào đó là những nụ cười rạng ngời, vui mừng, hạnh phúc. Suốt chặng đường dài cả bệnh nhân lẫn anh em 115 đều thấy rất vui. Những ngày sắp đến, chúng tôi sẽ còn nhiều chuyến xe hơn nữa đưa các bệnh nhân khỏi bệnh về với gia đình. Dù có xa bao nhiêu đi nữa, dù bất kể đêm hay ngày, chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng, càng nhiều càng hạnh phúc”, bác sĩ Ánh Hồng xúc động.
Phan Lệ
Bình luận (0)