Mua hàng chính hãng, nhận hàng dỏm; hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ công khai bán tràn lan… các sàn thương mại điện tử lớn nhất ở VN hiện nay như Lazada, Shopee, Sendo… ngày càng thách thức pháp luật.
Nhiều hàng nhái, giả bán qua mạng khiến người tiêu dùng thiệt hại. Ảnh: Đ.N.T – Ngọc Dương
Mua chính hãng, nhận hàng dỏm
Cơ quan quản lý phải xử nặng, công khai thông tin các nơi vi phạm để người dân biết và không giao dịch với những nơi đó. Luật phải theo hướng răn đe để các đơn vị không dám làm sai như các nước
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú
|
Anh P.P.K (ngụ Q.3, TP.HCM) đặt mua điện thoại Oppo Pro 128G trên Lazada với nhà bán hàng là Viễn Thông 89 và được xác nhận đơn hàng thành công qua email. Đến ngày 7.8, có người dùng số điện thoại 09034338xx gọi đến, tự xưng là nhân viên đóng hàng của Lazada, xác nhận đơn hàng. Một ngày sau, anh K. nhận được hàng.
Do chính sách của Lazada không cho kiểm tra trước, nên anh trả đủ 3,39 triệu đồng để nhận nguyên kiện hàng. Nhưng sau khi mở gói hàng, sản phẩm bên trong bị cắt lớp bao bì, máy mở không lên nguồn, cục sạc không có logo Oppo… Xác định đây là hàng nhái, không sử dụng được, anh lập tức điện thoại và gửi tin nhắn tới Lazada, cung cấp hình ảnh sản phẩm và yêu cầu đổi trả hàng. Nhân viên Lazada hẹn từ 5 – 7 ngày làm việc sẽ trả lời.
Đến ngày 12.8, anh K. nhận được tin nhắn cùng email từ Lazada báo đơn hàng bị hủy, vì nhà bán hàng không đóng hàng hoặc hết hàng. Anh khiếu nại, nhưng phía Lazada không trả lời. Đến ngày 15.8, Lazada gửi email thông báo nhà bán hàng không giao hàng theo mã đơn hàng đã đặt. Công ty này cho rằng vụ việc có dấu hiệu giả mạo bên ngoài hệ thống để lừa đảo người dùng, nên đã báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Tình trạng mua hàng chính hãng, nhận hàng dỏm xảy ra khá phổ biến. Vợ chồng chị Phương Vân (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) kể cách đây không lâu có đặt mua một hồ bơi cho con trên Lazada, nhưng khi mở hộp mới thấy sai kích thước, hồ quá nhỏ không sử dụng được và giá rẻ hơn cái hồ kích thước lớn mà chị đặt mua. Khiếu nại với người bán thì không cho đổi hàng với lý do đã mở hộp, phía Lazada cũng đồng ý với lý do này.
Chị Hồng Hạnh (ngụ Q.3, TP.HCM) ấm ức cho biết đầu tháng 6 vừa qua, chị đặt mua 1 chiếc nồi chưng yến bằng điện với giá 159.000 đồng trên trang Sendo. Hàng giao tận nơi, thu tiền xong về nhà chị mở gói hàng mới phát hiện phần nồi sứ bên trong bị vỡ dù gói hàng được đóng rất kỹ. Chị gọi điện đến cửa hàng bán sản phẩm, người này yêu cầu liên lạc với Sendo, nếu Sendo đồng ý thì cửa hàng sẽ đổi cho khách. Tuy nhiên, con đường khiếu kiện diễn ra quá “trần ai”.
Liên lạc qua Facebook, chị nhận được tin trả lời từ trợ lý ảo của Sendo hứa sẽ liên lạc lại, nhưng nhiều ngày sau vẫn bặt vô âm tín. Sau nhiều cách liên lạc bất thành, gọi lên số tổng đài 19006000 của Sendo thì nhân viên tổng đài cho hay, trường hợp của chị quá thời hạn 48 ngày theo quy định, nhưng với những gì chị Hạnh trình bày, bên bán sẽ giải quyết cho chị và yêu cầu email hình ảnh sản phẩm bị hỏng. Chị Hạnh cho biết đã 3 tháng trôi qua nhưng chưa từng nhận cuộc gọi nào từ Sendo…
Sản phẩm cấm, nhái bày bán tràn lan
Không chỉ bán hàng chính hãng, giao hàng dỏm, các sàn thương mại điện tử hiện nay vẫn công khai bán hàng nhái, dỏm dù giữa tháng 4 vừa qua, 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất tại VN gồm Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn đã tham gia ký kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương).
Thế nhưng, hôm qua (22.8), dạo một vòng các sàn thương mại điện tử lớn, hiện tượng bán hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm vẫn phổ biến. Ví dụ trên Lazada, hàng trăm chai nước hoa các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới được bán dưới 100.000 – 200.000 đồng. Một chai nước hoa Lancôme Trésor 100 ml được rao bán chỉ có 85.000 đồng; chai nước hoa Chanel Bleu 100 ml được bán giá giảm 50% còn 135.000 đồng. Hay trên Shopee, các loại đồng hồ được giới thiệu cao cấp chỉ có giá 67.000 – 68.000 đồng; chiếc túi xách LV Speedy Nano có giá 290.000 đồng. Còn trên Sendo, cũng hàng trăm chai nước hoa na ná hình ảnh của các thương hiệu nổi tiếng dù đặt tên khác nhau với giá chỉ chưa đến 100.000 đồng… Những mức giá này hoàn toàn không hợp lý với các thương hiệu trên.
Thậm chí, các hàng hóa bị cấm kinh doanh mua bán cũng được rao trên các sàn TMĐT. Cụ thể trang Lazada vào đầu năm nay còn bị phát hiện bán những thiết bị, linh kiện lắp ráp thành súng bắn bi gây sát thương. Hầu hết mặt hàng này đều được Lazada.vn thông báo giao hàng từ nước ngoài, chủ yếu là Hồng Kông – Trung Quốc về với thời gian giao hàng từ 1 – 2 tuần. Hay giữa tháng 8.2018, sản phẩm bản đồ cắm cờ quốc gia được bán trong danh mục sản phẩm đồ chơi giáo dục cho trẻ em trên Shopee chỉ có tiếng Trung Quốc và tiếng Anh với hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng ngang nhiên lập nhiều website khác nhau để bán hàng nhái, giả. Cụ thể ngày 20.8, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với trinh sát cùng Phòng PA05 Công an TP.Hà Nội kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh điện thoại di động số tại địa chỉ 27 Trần Bình (Hà Nội) thuộc Công ty TNHH Relex VN do ông Lê Đình Sỹ làm giám đốc. Đoàn kiểm tra phát hiện công ty đang sử dụng 16 website khác nhau để bán sản phẩm nhái điện thoại Samsung và được mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ.
Trong cuộc hội thảo gần đây, chia sẻ câu chuyện lên mạng tìm từ khóa “Gucci” thì hoa mắt bởi hàng loạt trang Gucci, Gucci fake, Gucci fake xịn hiện ra với vô số giá rao bán khác nhau…, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhận xét tình trạng này đang làm méo mó thị trường, gây thất thu ngân sách, người tiêu dùng bị phương hại nên cần phải có chế tài mạnh, đánh sập website, thu hồi tên miền nếu bán hàng giả.
Nhiều cấp quản lý nhưng vẫn “lỏng”
Quy định phi lý
Lazada và Shopee hiện nay đều áp dụng chính sách không cho người mua bóc hàng, kiểm tra hàng trước khi thanh toán đầy đủ cho người vận chuyển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khách hàng chịu mất tiền oan vì hàng dỏm, nhái nhưng rất khó đổi, trả.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia VN, chính sách này là vi phạm luật thương mại và luật bảo vệ người tiêu dùng. Bởi theo quy định, người tiêu dùng có quyền được biết và đối chiếu, kiểm tra thông tin hàng hóa từ chất lượng sản phẩm đến nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc… trước khi thanh toán. Cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Công thương cần kiểm tra, rà soát các hợp đồng, quy định của các sàn TMĐT để chấn chỉnh, loại bỏ những điều khoản gây bất lợi cho người dùng.
|
Trong khi người tiêu dùng thiệt hại vì mất tiền mua phải hàng nhái, hàng giả, lừa đảo trên mạng thì các đơn vị nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ trong việc quản lý.
Theo ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, niềm tin của người tiêu dùng vào mô hình TMĐT của VN còn khá “yếu”. Theo quy định liên quan TMĐT của VN hiện nay, công tác tiền kiểm cấp phép do Bộ Công thương phụ trách, hậu kiểm thuộc cơ quan quản lý thị trường, công tác thanh tra nếu có thuộc các sở công thương địa phương. Hiện đơn vị này đang phối hợp với Đại học Kinh tế TP.HCM xây dựng đề án quản lý TMĐT để trình UBND TP.HCM.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, nói thẳng thời gian qua việc quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng vẫn còn buông lỏng. Điều này khiến người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả rủi ro, thiệt hại. Các chủ sàn TMĐT, cũng giống như siêu thị, khi cho các gian hàng thuê chỗ để bán trong khu vực, trên chợ của mình thì khi chủ hàng gian dối, lừa đảo người dùng các chủ sàn cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này đã được nêu rõ trong các quy định liên quan.
“Cơ quan quản lý phải xử nặng, công khai thông tin các nơi vi phạm để người dân biết và không giao dịch với những nơi đó. Luật phải theo hướng răn đe để các đơn vị không dám làm sai như các nước. Bởi nếu phạt nhẹ như kiểu phạt 5 triệu đồng mà họ lời 40 triệu đồng thì các hành vi đó vẫn sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Theo Mai Phương – Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)