Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Những nấm mồ trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Thỉnh thoảng tôi ghé vào blog của Cóc-trèo-thang, cảm giác giống như đang vào nghĩa trang viếng mộ một người bạn đã vào chốn vĩnh hằng… Hơn một năm Cóc đi rồi, nhưng nhà cửa vẫn ngọt ngào những lời chúc mới ngày hôm qua của những người từng rất thương Cóc: “Ngủ an lành, em nhé”… 

 

Blog của Thúy…

Bia mộ trực tuyến

Có một thói quen mà nhiều người cùng có: rà số trong danh bạ điện thoại di động những khi rảnh rỗi. Và có lần tôi đọc thấy trên blog một ông anh có nick là Mayvodanh một câu chuyện làm người đọc phải rùng mình: “Trong phonebook di động của tôi vẫn còn hai số điện thoại của hai người bạn vong niên đã mất. Mấy lần đổi điện thoại vẫn giữ nguyên hai số đó. Thỉnh thoảng rảnh rỗi lôi phone ra rà. Thấy số đấy, tên đấy, thấy lại gương mặt cũ. Tớ gọi những lúc thế này là đi viếng bạn.

Mấy hôm rồi tiết thanh minh cũng rà lại phonebook một cái, viếng hai bạn già luôn thể. Tự nhiên rùng mình nghĩ ở cái thế giới blog thì sao nhỉ. Lỡ đâu một người bạn mất đi. Blog đó vẫn tồn tại, vẫn còn nguyên trong friends list. Chỉ có điều sẽ vĩnh viễn không thấy new entry, không comment, không messages, không new blast. Avatar của bạn khi ấy đã trở thành bia mộ. Thỉnh thoảng chắc cũng có người ghé thăm, rồi cũng tưởng niệm. Rồi cũng thanh minh, cũng giỗ chạp. Nhưng chắc sẽ không có ai thay áo. Rùng mình tiếp, 30 năm nữa thế giới blog vẫn tồn tại, ai cũng có một nghĩa trang ngay trong máy tính hay trong blog của mình. Sợ thật!”.

Quả là sợ thật khi chợt nhớ mình có khá nhiều người thân quen trên mạng đã ra đi vĩnh viễn, và những ngày cuối năm viếng mộ mình cũng hay ghé trang mạng cá nhân của bạn như một cách tưởng niệm. Có khi lại ngồi đọc những gì bạn viết, vào Youtube xem những clip có hình bạn với một nỗi niềm xa xăm… Và hình như nó đang là một thói quen của những cư dân mạng hiện nay. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào cũng là những nghĩa trang buồn, chẳng hạn câu chuyện “Ước mơ của Thúy”, dù người bạn nhỏ đã đi xa nhưng hành trình tiếp sức cho trẻ em nghèo mắc bệnh vẫn cứ tiếp diễn và nối dài những vòng tay hơn…

… và Cóc-trèo-thang vẫn là nơi nhiều bạn bè lui tới

Và những nghĩa trang cho web

Có một câu nói rất thông dụng của những người đi trước dành cho những bạn trẻ lúc nào cũng điên cuồng với khát vọng tạo dựng sự nghiệp từ Internet mà bất chấp tất cả: “Đúng là Yahoo! hay Google đều khởi đầu từ số 0. Nhưng để có thể có những đỉnh cao đó đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn website đã trở thành nấm mồ vô chủ của sự thất bại…”.

Có hai dạng “nấm mồ” của các trang web. Một là xóa hẳn nó ra khỏi hệ thống và thường được biết đến với tên gọi phổ biến: “Link died” (dịch theo ngôn ngữ mạng là “tèo rồi”) hoặc vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng và không làm gì hết, mà như tiến sĩ Lê Đăng Doanh gọi là tình trạng “lịm đi”.

Những tầm-nhìn, cục-gạch hay hàng loạt website khác của những bạn trẻ người Việt từng một thời là nơi đi về của rất đông thành viên, cuối cùng cũng đã có một kết cục buồn khi website biến mất.

Một thành viên – từng rất nổi tiếng vì website cá nhân của mình, bây giờ trang web đã “yên nghỉ” ở rất sâu dưới lòng đại dương Internet đề nghị không nêu tên – cho biết: “Ngày xưa vui lắm, còn trẻ mà, xắn tay vô làm, xong mọi người cổ vũ, bà con hào hứng tham gia nên cứ làm vì thấy mình thật sự say mê. Nhưng rồi làm gì có thời gian, làm gì có tiền để đổ vô nuôi cái trang ngày càng phình to ra… Mình bỏ lơi dần, nó biến mất lúc nào cũng không rõ. Nhưng cũng là một kỷ niệm đẹp.

Nếu nói nó đã nằm trong nghĩa trang web thì chắc cũng đúng, nhưng tôi thích nói nó nằm ở một đoạn nào đó trong dòng chảy miên man của mạng Internet. Và như có lần người bạn nói với tôi một câu rất hay: từ đống tro tàn sẽ có ngày một cánh phượng hoàng bay lên… Và tin cũng thỉnh thoảng gõ cọc cạch cái địa chỉ không còn tồn tại ấy với niềm tin mơ hồ, ngày nào đó mình sẽ có thể làm cho nó sống dậy…”.

Nghĩa trang trực tuyến

Ý tưởng về việc tạo lập một nghĩa trang trực tuyến để mọi người trong thế giới bận rộn này có thể ghé viếng mộ người quen, gửi một thông điệp về chốn vĩnh hằng hoặc đơn giản là để tìm một khoảnh khắc bình lặng của tâm hồn được nhiều người triển khai thực hiện nhưng… ít thành công. Điển hình nhất là website http://www.worldgardens.com, nhưng sau một thời gian báo chí toàn thế giới bàn tán khá nhiều về nó thì cũng chỉ có chưa đầy 100 nấm mồ được xây dựng. Một dự án khác là The World Wide Cemetery (http://www.cemetery.org) cũng không mấy đông khách. Có lẽ người ta vẫn chưa thật sự quen với việc tìm thấy một nấm mồ trên mạng…

TRẦN NGUYÊN (Theo TTO)

Bình luận (0)