Diện mạo thị trường game online Việt Nam hiện nay thay đổi rất nhiều so với 5 năm trước. Số lượng nhà phát hành và game online đang có mặt trên thị trường sẽ còn tiếp tục tăng lên. Trong xu thế đó, game thủ trở thành “VIP” để sàng lọc và phân cấp các nhà phát hành game online
Thị trường game online Việt Nam lại thêm một tuổi mới. 365 ngày của năm 2008 tuy không phải là một khoảng thời gian dài nhưng cũng đủ để đem đến cho nền công nghiệp game online còn non trẻ của Việt Nam những thay đổi mang tính bước ngoặt. Một số game tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng cho nhà phát hành, một số game phải ngừng hoạt động, số khác còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Do đó, cũng trong năm nay, giữa các nhà phát hành game online đã có sự phân hóa rõ ràng dựa trên số lượng và chất lượng của game cũng như dịch vụ.
MMORPG trở lại
Đầu tiên phải kể đến mảng game nhập vai MMORPG. Năm 2008, xu hướng MMORPG đã dần trở lại với những tựa game khá hot trong khu vực lần lượt được nhập về Việt Nam. Những tưởng Netgame vốn trung thành với các tựa game nhảy thì nay cũng đã tung ra Thục Sơn Kỳ Hiệp. VTC cũng không chịu thua kém với Tru Tiên, game chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp cùng tên đình đám nhất trong giới văn học gần đây.
Ngoài ra, VDC đã phát hành Con Đường Tơ Lụa một cách thuận buồm xuôi gió và bắt đầu có những động thái quảng bá rầm rộ cho phiên bản mới Công Thành Chiến. Đặc biệt, những game xoay quanh thời Tam Quốc rất được các nhà phát hành ưu ái. Bắt đầu là TSOnline của Asiasoft, đến nay, điểm sơ cũng đã đếm được ít nhất ba game khác cùng chung đề tài: Tam Quốc Chí cũng của Asiasoft, Chiến Quốc của SaigonTel và Đại chiến Xích Bích của một gương mặt mới toanh là NCS.
Lên ngôi và thoái vị
Có thể nói năm nay là một năm rất thuận lợi đối với “ông trùm” VinaGame ở mảng phát hành game online. Sau hơn ba năm vẫn đều đặn mang lại cho công ty nguồn thu khổng lồ, Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu xuống sức. Nhưng dù sung mãn đến đâu thì chắc chắn một điều là năng suất “đẻ trứng vàng” của Võ Lâm Truyền Kỳ không thể duy trì mãi. Chính vì thế, trong năm 2008, VinaGame đã sẵn sàng một loạt những game đỉnh cao có khả năng thu lợi song song với Võ Lâm Truyền Kỳ mà con át chủ bài là game Chinh Đồ. Các sản phẩm còn lại bao gồm Võ Lâm Truyền Kỳ 2, Cửu Long Tranh Bá và Phong Thần – tuy không gây nhiều tiếng vang nhưng vẫn giữ được một lượng fan ổn định.
Ngoài ra, VinaGame còn ấp ủ tham vọng tung ra Thuận Thiên Kiếm, một game online thuần Việt còn đang trong vòng bí mật. Nếu như việc kinh doanh của VinaGame diễn ra khá trôi chảy thì ngược lại, Asiasoft lại khá chông chênh. Là nhà phát hành với số lượng game nhiều thứ hai sau VinaGame nhưng công ty đã phải tuyên bố “khai tử” hai game trong sự tiếc nuối của ít nhiều game thủ hâm mộ vì số lượng người chơi quá ít, không đủ chi phí để duy trì. Hai game “vắn số” đó là Hiệp Khách Online, một game 3D kiếm hiệp khá dễ thương và Ghost Online từng được quảng bá hết sức hoành tráng với hàng loạt poster khổng lồ treo nhan nhản ở những khu vui chơi và kể cả trên các diễn đàn trực tuyến.
Như vậy, cùng với Gunbound, Asiasoft hiện đang giữ kỷ lục là nhà phát hành có số lượng game phải ngừng hoạt động nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tình hình kinh doanh của Asiasoft ảm đạm. Không chỉ phát hành những game có hình ảnh dường như chỉ phù hợp với các game thủ nhỏ tuổi, Asiasoft đã bắt đầu chuyển hướng sang phát hành những game dành cho đối tượng lớn hơn. Nổi bật hơn tất cả là CABAL Online, từng khiến dư luận xôn xao vì sự kiện khóa 10.000 tài khoản vì nghi ngờ có hack-bot, nay đã có đợt “ân xá”. Hiện game này tiếp tục trở thành một game online có khả năng thành công nhất trong tất cả các game mà công ty từng phát hành với các tính năng mới như Nation War được cải tiến thành Lord of War và thêm NPC Agent Shop.
Song song đó, niềm hy vọng thứ hai của Asiasoft là HuangYi Online hay còn gọi là Cỗ Máy Thời Gian nay cũng đã bước sang phiên bản thứ hai Đại Phá Thời Không và tương lai của trò chơi này cũng có vẻ rất xán lạn. Điểm khá thú vị là dường như có sự chuyển nhượng quyền phát hành giữa VinaGame và Asiasoft khi trong danh sách các game phát hành năm 2008 có tên Ragnarok. Đây là một cái tên không mới đối với game thủ nhưng rất trùng hợp vì VinaGame chỉ mới ngừng cung cấp Ragnarok cách đây không lâu. Liệu sau hai lần “trao tay”, Ragnarok có thể giúp Asiasoft gỡ gạc? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Audition không có đối thủ
Ở mảng casual game, Boom của VinaGame và Audition của VDC đang là hai game thành công đặc trưng cho mô hình miễn phí giờ chơi, chỉ thu phí vật phẩm đang hết sức thu hút lứa tuổi teen. Những vật phẩm mới liên tục được tung ra, đặc biệt là các loại phục trang để chưng diện chải chuốt cho nhân vật của game thủ là động lực chính để người chơi chịu bỏ tiền ra nạp xu. Audition của VTC vẫn tiếp tục dẫn đầu trong mảng game âm nhạc, vượt lên mọi đối thủ HotStep hay Super Dance Online và có lẽ vị trí này vẫn còn tiếp tục được duy trì trong một thời gian dài vì tại thời điểm này, Audition chưa có đối thủ xứng tầm tại thị trường Việt Nam.
Crossfire nổi bật
Bất chấp dư luận, thể loại game bắn súng trực tuyến vẫn tiếp tục bừng bừng khí thế với ba gương mặt: Special Force của FPT, Crossfire của VTC và Sudden Attack của VNG. Trong ba gương mặt này, sáng sủa hơn cả là Crossfire với những phản hồi rất tích cực từ phía game thủ. Có lẽ khi nói đến thể loại bắn súng, chất lượng trò chơi phụ thuộc nhiều vào “gu” của người chơi hơn. Sắp tới, VTC còn đề xuất đưa Crossfire trở thành một game thi đấu chính thức của giải Esport. Đây là một tin rất đáng mừng cho cộng đồng yêu thích game bắn súng, mặc dù so với ông trùm Counter Strike, các fan hâm mộ Crossfire vẫn chưa mặn mòi lắm với các game bắn súng được gắn mác “online”.
Các tân binh
Trong năm 2008, lần đầu tiên làng game online Việt Nam được làm quen với một thể loại game mới toanh là webgame. Webgame khác với game online thông thường ở chỗ người chơi không cần phải lo đến cấu hình máy, chi phí bỏ ra để chơi mà chỉ cần có máy tính nối mạng và một trình duyệt. Đây là một thể loại đang dần phổ biến trên khắp thế giới và ở Việt Nam.
Game thủ có ba lựa chọn để thưởng thức thể loại này thông qua ba webgame Đế Quốc Quật Khởi lấy bối cảnh Trung Quốc cổ đại, Ikariam lấy bối cảnh Hy Lạp cổ đại và Fightbite xoay quanh cuộc chiến truyền kiếp giữa ma sói và ma cà rồng. Dù nội dung có khác thế nào đi nữa, ba webgame vẫn có chung đặc điểm là người chơi phải quản lý và điều hành thông qua các con số và tính năng nằm trên một trang web. Từ trang web này, người chơi có thể xây dựng thành phố, nhân vật, buôn bán, tương tác với các người chơi khác thông qua những sự kiện đã được lập trình sẵn mang tính chu kỳ trên máy chủ.
Bên cạnh webgame, game online năm 2008 còn có thêm sự góp vui của thể loại minigame với hai trang web nổi tiếng nhất hiện nay là Ongame thiên về các loại cờ, bài bạc và Zing Play thiên về các game giải trí nhẹ nhàng khá quen thuộc như xếp hình, xếp bi, ô ăn quan… Do tính chất dễ cài, dễ chơi, lại yêu cầu cấu hình rất nhẹ nên thể loại mini-game có một sức hút rất mãnh liệt, có khi còn hơn cả game online thông thường do không cần cày kéo mà chỉ mang tính giải trí nhất thời, nên có thể thấy đối tượng của mini-game khá đa dạng, từ giới trẻ cho đến giới văn phòng.
Theo VŨ ĐĂNG (Theo TTO)
Bình luận (0)