Khi tòa nhà cao nhất Việt Nam tại TP.HCM đưa vào hoạt động, mọi người náo nức chờ được vào tham quan, thì ngược lại ở một góc thành phố, có một nhóm bạn trẻ tất bật lên kế hoạch để… dọn rác xung quanh tòa nhà này.
Các thành viên trong đội đang tái chế… rác thành đồ chơi, đồ lưu niệm |
Đó chỉ là một trong những hoạt động thường nhật của Đội hình tình nguyện công viên không rác (thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM) quy tụ đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Với mong muốn kêu gọi cả xã hội chung tay bảo vệ môi trường, nhiều năm qua các “chiến binh công viên không rác” đã miệt mài thu gom rác ở khắp nơi trên địa bàn thành phố.
“Những chiến binh môi trường”
Thành lập từ năm 2014, với tên gọi Đội hình xây dựng công viên sạch đẹp an toàn, mục đích ban đầu chỉ hướng tới công việc vệ sinh môi trường tại các công viên. Giữa năm 2015, đội được đổi tên thành Đội hình tình nguyện công viên không rác, không chỉ dừng lại ở việc vệ sinh rác tại công viên mà còn hướng tới khu dân cư, trường học… nhằm nâng cao ý thức của người trẻ cùng đồng hành bảo vệ môi trường thành phố.
“Thời gian đầu khi ra công viên thu gom rác và tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đội không được sự đồng tình của ban quản lý công viên. Bị họ đuổi như… đuổi tà. Họ nói, cuối tuần thì ở nhà phụ giúp gia đình, ra đường làm “ba cái chuyện tào lao” uổng công, vô ích làm gì”, anh Nguyễn Nhật Phúc (đội trưởng) chia sẻ.
Nhớ lại, anh Phúc cho hay đó là những ngày… chạy nhiều hơn đi. Thứ bảy, chủ nhật, cứ thấy cả đội “lếch thếch” kéo đến Công viên (Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, 30-4, 23-9…), những người bán hàng rong “ghét cay, ghét đắng”. Bởi vì “mình dọn sạch rác rồi thì lấy đâu ra chỗ để họ bày bán hàng. Nhiều người thậm chí còn kêu việc ở ngoài đường là việc của Nhà nước chứ không phải việc của chúng mình nên… đuổi về, không cho dọn rác”, anh Phúc nói.
Biết là chưa thể sớm thay đổi nhận thức của người dân, các thành viên trong đội bắt đầu hướng đến tổ chức những sân chơi thiết thực cho trẻ em trong công viên như vẽ tranh, tô màu, nặn tượng, làm đồ chơi…, từ đó tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. “May mắn là đội nhận được sự hỗ trợ và hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Các sân chơi luôn thu hút rất đông trẻ em tham gia. Đến bây giờ những sân chơi này như thói quen, diễn ra vào mỗi cuối tuần cho trẻ em tại các công viên. Hôm nào trời mưa mà đội không đến được là các em điện thoại, phụ huynh lại hỏi han…”, anh Phúc cho hay.
Mô hình ngôi nhà được tái chế từ rác |
Từ hướng này, đội bắt đầu “gieo” được ý thức bảo vệ môi trường bằng những khẩu hiệu như “không xả rác bừa bãi”, “bỏ rác đúng nơi quy định”, “rác là nguồn ô nhiễm”, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni-lông, song song với việc dọn sạch rác. “Vấn nạn xả rác bừa bãi đã tồn tại rất lâu. Để thay đổi được ý thức của người dân có lẽ cần cả một quá trình dài. Thế nhưng, ngay từ những việc làm thiết thực của người trẻ như thấy rác là nhặt, rồi tuyên truyền đến những người xung quanh. Chúng mình tin rằng “cuộc chiến với rác” sẽ không còn quá nặng nề”, anh Phúc bày tỏ.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng
Điểm nhấn mà Đội hình tình nguyện công viên không rác muốn hướng tới là tạo ra những sản phẩm thiết thực từ… rác để người dân, đặc biệt là giới trẻ nhận thức được ý nghĩa của việc phân loại, tái chế rác, sử dụng các sản phẩm thay thế. Theo đó, các thành viên trong đội luôn tự giác thu gom chai nhựa, lon sữa, đồ chơi nhựa, ống tre, gỗ vụn…, sau đó khéo léo làm thành hộp bút, chậu cây, quà lưu niệm, đồ chơi bán gây quỹ tạo sân chơi cho trẻ em. “Thay vì lướt facebook, đắm chìm trong mạng xã hội, các bạn trẻ nên tìm cho mình một sân chơi kỹ năng phù hợp. Không chỉ trang bị các kỹ năng mà còn giáo dục nhận thức, trưởng thành, qua đó giúp các bạn nhận ra rõ hơn vai trò, trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội. Có thể chỉ đơn giản là ý thức bảo vệ môi trường”, anh Phúc nhắn nhủ.
Hiện nay, trong số 60 thành viên của đội, có hơn phân nửa là học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.HCM, số còn lại là sinh viên, người đi làm. Trong đó, có những thành viên gắn bó với đội từ khi còn là học sinh lớp 6 lên đến THPT, từ khi còn là sinh viên năm 1 đến khi ra trường đi làm.
Lâm Đồng: Ra quân “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” 2018 Vừa qua, tại Quảng trường Lâm Viên – Đà Lạt, Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã phát động “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” năm 2018 trong đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong tỉnh. Sau lễ phát động, gần 1.000 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên các cơ sở Đoàn và trường học trên địa bàn TP.Đà Lạt đã tuyên truyền, cổ động trong nhân dân ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường; làm vệ sinh thu gom rác thải, tẩy xóa quảng cáo, các hình ảnh vẽ bậy, bôi bẩn tại khu vực công cộng, trên nhiều tuyến đường… “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” 2018 do TW Đoàn phát động trong cả nước, tập trung cao điểm từ ngày 15 đến 23-9, nhằm phát huy vai trò xung kích của học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thanh Dương Hồng |
“Phải lòng” Đội hình tình nguyện công viên không rác từ khi còn là học sinh lớp 6 trong một lần theo bà ngoại tập thể dục tại Công viên 23-9 (Q.1), Nguyễn Phúc (học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm) cho hay qua hoạt động nhặt rác, bản thân em thấy trân trọng hơn những vật dụng đơn giản như… rác. Bởi rác nếu được đặt đúng chỗ, biết tái chế vẫn phục vụ tốt cho cuộc sống. Còn Thanh Thiện (học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Từ khi em tham gia nhặt rác, cả gia đình em cũng đã ý thức hơn trong việc phân loại rác, hạn chế sử dụng túi ni-lông”.
Ngay bản thân đội trưởng Nhật Phúc, anh tham gia đội từ khi còn là sinh viên năm 1 đến tận bây giờ, khi đã ra trường, đi làm và lập gia đình riêng. Có thể nói Đội hình tình nguyện công viên không rác vẫn là “tâm huyết” của anh trong việc giáo dục và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Yến Hoa
Bình luận (0)