Không ôm đồm kiến thức lớp 11, tập trung vào kiến thức lớp 12 là những lời khuyên được các giáo viên bộ môn đưa ra cho học sinh khi ôn tập môn lý chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Thầy Nguyễn Đức Phương – Tổ trưởng Tổ lý, Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) |
Kiến thức lớp 11 chỉ dừng ở mức vận dụng thấp
Đây là nhận định của thầy Nguyễn Đức Phương – Tổ trưởng Tổ lý, Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2). Theo thầy Phương, căn cứ vào bộ đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT thì kiến thức lớp 11 sẽ chiếm khoảng 20% và dừng lại ở mức độ nhận biết. Do đó, khi ôn tập, học sinh chỉ cần nắm vững lý thuyết và giải các bài tập ở mức độ vận dụng thấp, tập trung vào các dạng kiến thức như điện tích, điện trường, định luật Ôm, từ trường, hiện tượng khúc xạ, phản xạ, thấu kính… Đối với kiến thức lớp 12, thầy Phương cho biết học sinh cần phải nắm vững kiến thức căn bản của cả 7 chương trong sách giáo khoa. Trong đó đặc biệt chú ý vào các chương 4, 5, 6 vì đề thi thường rơi vào các chương này. “Lý thuyết các em phải nắm thật vững để ăn chắc điểm. Còn bài tập, với chương 4, 5, 6, bài tập có thể ra vào các dạng mạch LC, thu phát sóng điện từ, giao thoa, điều kiện xảy ra quang điện và mẫu bo…”, thầy Phương nói.
Thầy Phương lưu ý thêm: “Các chương còn lại, nhất là chương 1 và 2, đề thường rơi vào các dạng bài tập để phân loại học sinh. Do đó, học sinh trung bình chỉ cần nắm kiến thức căn bản. Còn những em dùng điểm thi lý để xét ĐH-CĐ cần phải chú ý thêm kiến thức nâng cao để lấy điểm”.
Để có thể dễ dàng và bớt “nặng gánh” về lượng kiến thức trong quá trình ôn tập, thầy Phương gợi ý học sinh nên ôn theo dạng chuyên đề như chuyên đề dòng điện một chiều, từ trường, ánh sáng… Kiến thức lớp 12 sẽ có những phần liên quan đến lớp 11 như phần tán sắc, chuyển động từ trường… Do vậy, khi ôn tập, các em nên có sự xâu chuỗi, liên hệ, nhắc lại để kiến thức được nhớ lâu và hệ thống.
Về kỹ năng giải đề, thầy Phương cho hay, đề thi sẽ sắp xếp các câu hỏi từ dễ đến khó, học sinh cần phải đọc kỹ đề, làm câu lý thuyết trước, bài tập sau. 50% câu đầu là dễ, học sinh nên ưu tiên làm trước. Đặc biệt, đối với dạng bài về dòng điện xoay chiều, các em cần phải căn cứ vào những từ khóa trong đề để nhận biết được hiệu điện thế tức thời, dòng điện tức thời với các giá trị hiệu dụng để tránh nhầm lẫn.
Cô Nguyễn Thị Hồng Mai – Tổ trưởng Tổ lý, Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) |
Tập trung vào kiến thức lớp 12
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Mai – Tổ trưởng Tổ lý, Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) – điểm mới của đề thi năm nay là có thêm kiến thức lớp 11 nhưng chủ yếu kiến thức trọng tâm vẫn thuộc chương trình lớp 12. “Kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 20% đề thi, tức là chỉ từ 5-6 câu và kiến thức sẽ không quá khó. Do vậy, khi ôn tập các em chỉ nên quan tâm đến các bài tập đơn giản có sử dụng công thức đơn giản, nên học theo dạng chủ đề như chủ đề về điện, điện tích điện trường… Với các dạng bài tập về điện trong chương trình lớp 11 thì chỉ nên làm các bài có từ 4-5 điện trở trở lên”, cô Mai lưu ý.
Với chương trình lớp 12, cô Mai cho rằng học sinh cần phải có sự hệ thống kiến thức về lý thuyết trọng tâm và cơ bản nhất trong cả 7 chương. Trong đó, phần bài tập, tập trung hệ thống một số dạng bài cơ bản và nâng cao theo định hướng đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT như phần dao động, phần sóng cơ, phần điện. “Với mỗi chương sẽ có những dạng bài tập khác nhau. Khi ôn, các em nên tìm ra những từ khóa, từ mấu chốt của mỗi dạng để có hướng làm. Riêng phần điện có kiến thức và bài tập khó. Tuy nhiên, các em cũng chỉ nên tập trung kiến thức cơ bản, có trong sách giáo khoa. Chỉ trừ những em dùng điểm thi môn lý để xét ĐH-CĐ thì mới nên quan tâm đến dạng bài nâng cao”, cô Mai cho hay.
Đặc biệt, cô Mai cho biết trong chương trình lớp 12, kiến thức chương 4 và chương 1 có sự tương đồng với chương trình lớp 11. Vì vậy khi ôn tập, các em có thể xâu chuỗi 2 phần này làm các dạng bài tập so sánh để kiến thức nhớ lâu. “Để làm được các dạng bài tập, quan trọng nhất là các em phải nắm vững được kiến thức của mỗi chương về công thức, phương trình, đặc biệt là hiểu được bản chất vật lý”, cô Mai nhấn mạnh.
Khi làm bài thi, để tránh những sai sót dẫn đến mất điểm, cô Mai khuyên học sinh nên đọc hết đề, làm chắc điểm đối với các câu dễ (khoảng 20 câu đầu). Ngay cả với những câu quen thuộc trong đề cũng phải viết công thức tính toán bình thường để tránh bị mất điểm “oan”.
Thầy Vũ Quốc Dũng – Tổ trưởng Tổ lý, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) |
Biết vận dụng các công cụ toán học vào giải đề
Đây là lưu ý được thầy Vũ Quốc Dũng – Tổ trưởng Tổ lý, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) nhắn nhủ đến học sinh lớp 12 khi ôn tập môn lý. Thầy Dũng cho rằng trong đề thi sẽ có những bài tập đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng các công cụ toán học vào thì mới có thể giải được. Một số công cụ toán thường được sử dụng vào trong vật lý như Véc-tơ, vòng tròn lượng giác, đồ thị. Thậm chí cả đạo hàm, khảo sát hàm số, tích phân… Do đó, khi ôn tập, các em cũng nên lưu ý nhắc lại kiến thức toán để có thể vận dụng được trong bài tập lý.
Tuy nhiên, theo thầy Dũng, đối với kiến thức toán học thì đề sẽ chỉ áp dụng vào giải những bài toán khó, từ mức vận dụng đến vận dụng nâng cao. Và thường rơi vào dạng bài về dao động cơ, sóng cơ, dòng điện xoay chiều, tập trung ở 10 câu cuối cùng trong đề thi. “10 câu cuối này sẽ mang tính đánh đố cao. Để làm được, ngoài kiến thức cơ bản cực kỳ sâu và vững, các em phải có kỹ năng giải toán tốt, đặc biệt là vận dụng linh hoạt các công cụ toán, kiến thức vật lý”, thầy Dũng lưu ý.
Bên cạnh đó, căn cứ vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, thầy Dũng cho biết kiến thức lớp 11 sẽ được trải đều trong suốt chương trình lớp 11. Tuy nhiên, chỉ dừng ở mức nhận biết và vận dụng nhẹ, sẽ không có các bài toán khó. Vì vậy khi ôn tập, các em nên ôn theo chuyên đề, theo từng chương. Thuộc lý thuyết, công thức và làm các bài tập dạng áp dụng công thức, không đào sâu. Đặc biệt, thầy Dũng cho biết kiến thức lớp 11 và lớp 12 có một số sự tương đồng, liên quan và dùng chung công cụ, nên khi ôn tập, học sinh cần phải lưu ý.
Trong chương trình lớp 12, theo thầy Dũng, học sinh cần phải thuộc được công thức, nắm được các bản chất vật lý, bản chất hiện tượng. Đồng thời, chú ý thêm kỹ năng giải toán, tư duy để vận dụng các công cụ toán học vào giải các vấn đề. “Khi làm bài, học sinh nên phân tích đề bằng cách gạch dưới các dữ kiện quan trọng trong đề để tìm ra các yếu tố vật lý (công thức của hiện tượng vật lý). Phải đọc kỹ đề vì các đại lượng vật lý có thể nằm trong câu mà không cụ thể ra con số, đòi hỏi học sinh phải tự suy luận và vận dụng. Chú ý đổi đơn vị cho thật chính xác để tránh mất điểm…”, thầy Dũng nhấn mạnh.
L.Quân
Bình luận (0)