Đó là tiêu đề một tác phẩm đặc sắc của cố nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016). Tác phẩm này đã đạt giải B Sách hay giải thưởng Sách quốc gia 2018 (ảnh).
Vừa qua, tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, gia đình của cố nhà văn đã tổ chức họp mặt ra mắt sách “Ở R – Chuyện kể sau 50 năm” nhằm cùng các đồng đội, bạn văn ôn lại những kỷ niệm về cố nhà văn Lê Văn Thảo – một trong những đại diện xuất sắc của thế hệ vừa cầm bút, vừa cầm súng. Dưới ngòi bút của Lê Văn Thảo, giai đoạn ở R (chiến khu ở Tây Ninh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) vừa có khó khăn gian khổ vừa có những câu chuyện thú vị, cảm động.
Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, quê quán ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; thoát ly vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1962, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam). Năm 1965-1967, được biệt phái về Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ. Năm 1968, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân đánh vào Sài Gòn. Sau ngày hòa bình, ông đảm nhận các chức vụ: Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM… Ngoài giải thưởng Hồ Chí Minh, ông từng nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 và 2003, giải thưởng ASEAN năm 2006 với tiểu thuyết “Cơn giông” và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
“Ở R – Chuyện kể sau 50 năm” được nhà văn Lê Văn Thảo viết vào những ngày cuối đời, như một lần nữa làm sống lại ký ức một thời tuổi trẻ ở chiến khu Tây Ninh và truyền tải đến bạn đọc hôm nay những câu chuyện chân thật, sống động bằng một ngòi bút dung dị mà hóm hỉnh. Cuốn sách chưa kịp in thì ông đã qua đời vào năm 2016. Được gia đình tiếp tục hoàn thiện và bản sách ra mắt đã đạt giải B Sách hay giải thưởng Sách quốc gia 2018. Những năm tháng ở mật khu R, ông dùng ngòi bút làm vũ khí, viết những trang sử oai hùng của cuộc kháng chiến. Điều kiện sống khó khăn, gian khổ, giáp mặt cái chết, những trang văn được viết trong khói lửa có thể nói là dấu ấn vinh quang của văn học Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trần Văn Tuấn: “Lê Văn Thảo rất nặng lòng với văn học, luôn luôn trăn trở, luôn luôn tìm kiếm một cái gì đó của riêng mình. Và đó chính là tính cách, tâm hồn đất phương Nam thể hiện hết sức rõ nét ở ngòi bút Lê Văn Thảo. Trong giới văn chương vẫn thường nói về việc sử dụng ngôn ngữ Nam bộ thì Lê Văn Thảo rất chuẩn, có lẽ chỉ sau Sơn Nam. Hồn cốt và mọi thứ tập trung trong trang viết Lê Văn Thảo đều thấm đẫm tình yêu, tình cảm sâu sắc với quê hương đồng bằng sông Cửu Long Nam bộ. Tình yêu đó chính là cơ sở, bệ phóng năng lực thể hiện văn chương của Lê Văn Thảo”.
Thục Quyên
Bình luận (0)