Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Độc đáo lễ cúng trăng của đồng bào Khmer

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ cúng trăng là 1 trong 3 lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer. Phần lễ chủ yếu là những hoạt động xung quanh nghi thức cúng trăng. Mở màn buổi lễ là tiếng nhạc rộn ràng từ dàn ngũ âm dưới ánh trăng sáng, làm không gian của buổi lễ trở nên huyền diệu. 

Trong chuỗi hoạt động lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ III – khu vực ĐBSCL năm 2017, tối 1-11 (nhằm ngày 13 tháng 9 âm lịch), trong không khí trang nghiêm tại chùa Khleang (TP Sóc Trăng) đã diễn ra lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam bộ.

Lễ cúng trăng là 1 trong 3 lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer. Phần lễ chủ yếu là những hoạt động xung quanh nghi thức cúng trăng. Mở màn buổi lễ là tiếng nhạc rộn ràng từ dàn ngũ âm dưới ánh trăng sáng, làm không gian của buổi lễ trở nên huyền diệu.

Độc đáo lễ cúng trăng của đồng bào Khmer ảnh 1
Nghi thức lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam bộ. Ảnh: HUYỀN NHƯ

Lễ cúng trăng mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, thể hiện tình cảm của con người đối với thiên nhiên. Đặc biệt, trong lễ cúng trăng phải có vật cúng chính là cốm dẹp. Ngoài ra, còn có những vật cúng phụ là nông sản mà người dân sản xuất ra như các loại khoai, dừa, chuối, trầu cau và một số loại bánh, kẹo khác.

Những sản vật trên được bày ra là để cúng dâng và tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, đã giúp cho người dân được làm ăn khá giả, sung túc trong năm.

Trong không khí rộn ràng, khắp các tuyến đường chính của TP Sóc Trăng đều có trang trí biểu ngữ, băng rôn chào đón ngày lễ. Người dân ở khắp nơi cũng tụ hội về đây để cùng đồng bào Khmer thưởng thức một mùa Oóc om bóc an lành, hạnh phúc.

Tại buổi lễ, mọi người ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng làm lễ chờ trăng lên. Khi trăng lên cao, mặt trăng tỏa sáng, mọi người sẽ đốt nhang, đèn và rót trà làm lễ tạ ơn trăng. Sau lời khấn vái tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp.

Dưới ánh trăng sáng, người cao tuổi sẽ tận tay đút từng miếng cốm vào miệng của trẻ nhỏ kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bảo và cuộc sống tương lai. Khi kết thúc nghi lễ đút cốm, mâm cúng được dọn xuống để mọi người cùng nhau thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem trình diễn nhạc ngũ âm, múa hát mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer.

Độc đáo lễ cúng trăng của đồng bào Khmer ảnh 2
Đua ghe Ngo tại Lễ hội Oóc om bóc Sóc Trăng năm 2016
Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng theo quan niệm từ xưa đến nay của đồng bào Khmer, coi mặt trăng là một vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của họ.
Khi mùa màng đã thu hoạch xong, họ làm lễ cúng trăng để thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng và chúc phúc cho mọi người có sức khỏe dồi dào, mưa thuận, gió hòa để mùa màng tốt tươi, bà con được hưởng ấm no, hạnh phúc. Lễ hội truyền thống đặc sắc này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch cho tỉnh, vì vậy rất cần được bảo tồn và phát huy.

Ông Phan Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Lễ cúng trăng trong khuôn khổ lễ hội Oóc om bóc hàng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách đến với Sóc Trăng”.

HUYỀN NHƯ/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)