Trên cơ sở tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, phân tích mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành du lịch, các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động ngành du lịch.
Bộ cũng khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch. Chỉ tiêu và điều kiện tiếp nhận do thủ trưởng các cơ sở đào tạo đại học quy định theo hướng phù hợp với thị trường lao động và sự tự nguyện của người học…
Chuyên gia được tính như giảng viên cơ hữu
Về nhân sự, các trường có thể mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý…(gọi chung là chuyên gia) có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp của doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là giảng dạy, hướng dẫn các nội dung liên quan đến các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Trên cơ sở thống nhất với doanh nghiệp đối tác về tỷ lệ thời gian tham gia đào tạo của các chuyên gia, cơ sở đào tạo được tính các chuyên gia là giảng viên cơ hữu phù hợp với tỷ lệ thời gian tham gia đào tạo để xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành du lịch.
Các trường cũng được tính cả chuyên gia là các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế về du lịch là giảng viên cơ hữu khi họ tham gia công tác đào tạo ở các cơ sở đào tạo đại học.
Điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng mở
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường phải đổi mới chương trình, nội dung, hình thức đào tạo.
Theo đó, chương trình đào tạo của các ngành phải điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông.
Chương trình sẽ bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Trong đó, các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo.
Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch… Thời gian đào tạo có thể rút ngắn.
Về nội dung đào tạo, các trường phải tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác và chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập.
Bộ khuyến khích các cơ sở đào tạo công nhận tín các học phần, chỉ của nhau, phối hợp xây dựng nguồn học liệu dùng chung đặc biệt là nguồn học liệu điện tử.
Trong quá trình đào tạo, trường phải hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.
Thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm
Bên cạnh việc đào tạo sinh viên của mình, các trường khi được áp dụng cơ chế đặc thù cũng phải tham gia hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực ngành du lịch nói chung.
Hoạt động này thể hiện bằng việc trường tăng cường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng, tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên ngành du lịch đã tốt nghiệp.
Trường cũng phải thống kê tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp các ngành du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của mình.
Bộ cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các trường đại học của các nước phát triển để đào tạo các ngành du lịch.
Để được hưởng các chính sách, cơ chế đặc thù nêu trên, các cơ sở đào tạo ngành du lịch áp dụng phải xây dựng Đề án đào tạo nhân lực du lịch (giai đoạn 2017-2020), đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và gửi Đề án về Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Sau 3 năm triển khai Đề án, các cơ sở đào tạo ngành du lịch đánh giá kết quả thực hiện cơ chế đặc thù, báo cáo và đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh các quy định./.
PHẠM MAI (VIETNAM+)
Bình luận (0)