Tại Việt Nam, cách dạy chủ yếu vẫn là "thầy nói – trò nghe", trong khi các trường nước ngoài có nhiều phương pháp dạy và học khá thú vị, hiệu quả.
Sinh viên NUS trong giờ thảo luận – Ảnh: The Wenner-Gren Blog
Sau 11 năm học tập trong những môi trường hiện đại tiên tiến như Singapore, Úc và Anh, tôi được trải nghiệm nhiều phương pháp dạy và học thú vị, hiệu quả, có thể kể đến các phương pháp sau:
Thuyết trình kết hợp các phương pháp khác
Học qua vấn đề (problem-based learning – PBL):
Giảng viên cung cấp cơ sở lý thuyết nền tảng về bài học, sau đó người học được chia thành nhóm từ 4-5 sinh viên, làm việc theo nhóm điều tra nghiên cứu và giải quyết một vấn đề dựa trên các tình huống và các trường hợp thực.
Sau đó nhóm sinh viên sẽ trình bày (thuyết trình hoặc báo cáo) về cách để giải quyết vấn đề đó. Điều quan trọng ở đây chính là quá trình suy nghĩ, phân tích của sinh viên chứ không tập trung nặng vào kết quả.
Học viện Công lập Republic Polytechnic tại Singapore áp dụng phương pháp này cho tất cả môn học và chương trình đào tạo của họ và mỗi sinh viên đều cần có laptop cá nhân để sử dụng. Một ngày bình thường (có thể gói gọn thành nửa ngày 4 tiếng) tại Republic Polytechnic như sau:
• Sáng (9-11h): giảng viên thuyết trình về nền tảng, lý thuyết cần thiết về bài học và đưa ra các tình huống nghiên cứu.
• Trưa (11-2h): sinh viên tập trung nhóm từ 4-5 người, ăn trưa và cùng tìm thông tin, phân tích vấn đề và phát triển giải pháp.
• Chiều (2-4h): sinh viên trình bày (thuyết trình hoặc viết báo cáo).
Thuyết trình và giải quyết tình huống cụ thể (case study)
Case study là phương pháp học dựa trên cơ sở thảo luận và trao đổi thông tin đa chiều – Ảnh: NUS
Học bằng tình huống cụ thể là phương pháp học dựa trên cơ sở thảo luận và trao đổi thông tin đa chiều và các tình huống được giảng viên lựa chọn hay đặt ra thường rất cập nhật với tình hình trong và ngoài nước.
Tại Singapore, có rất nhiều cuộc thi tình huống cụ thể (case competition) do các doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài hay tổ chức chính phủ làm ra, kêu gọi sinh viên tham gia giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp hay tìm hiểu các giải pháp cho bộ luật, vấn đề cao cấp của nhà nước.
Trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS), Khoa Kinh doanh nơi tôi đang làm việc luôn khuyến khích sinh viên đăng ký tham gia những cuộc thi như vậy, các giảng viên của khoa sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và nâng đỡ sinh viên trên mặt bằng lý thuyết và nền tảng cần thiết.
Học tập bằng tình huống cụ thể hay tham gia các cuộc thi như vậy giúp sinh viên đưa những gì mình được học vào thực tế, cảm giác được áp lực, nhận rủi ro và trình bày ý tưởng của mình, giúp cho nhận thức được sâu sắc và trọn vẹn hơn.
Cổng hỗ trợ học tập tích hợp trực tuyến
Cổng hỗ trợ học tập tích hợp trực tuyến của NUS
Tại NUS, mỗi sinh viên cần đăng nhập và sử dụng thường xuyên Cổng hỗ trợ học tập tích hợp trực tuyến (Integrated Virtual Learning Environment – IVLE) cho các môn học đăng ký.
Tại đây, giảng viên sẽ đưa tài liệu liên quan đến bài giảng như powerpoint slides, tài liệu tham khảo, video; sinh viên có thể nộp bài tập, báo cáo hay kiểm tra đạo văn. Nó còn hỗ trợ giao tiếp hay tạo forum giữa sinh viên và giảng viên của môn học đó.
Cổng hỗ trợ này giúp việc trao đổi và lưu trữ thông tin giữa giảng viên và sinh viên một cách quy củ và hệ thống và sinh viên còn có thể sử dụng trên điện thoại, máy tính bảng.
Lớp học đảo ngược (flipped classroom)
Quay bài giảng bằng Lightboard tại NUS
Ngược với mô hình học truyền thống, ở lớp học đảo ngược, giảng viên thực hiện video lý thuyết và bài tập cơ bản, chia sẻ qua Internet cho các học viên xem trước tại nhà, trong khi thời gian ở lớp lại dành cho việc giải đáp thắc mắc của học sinh, làm bài tập khó hay thảo luận sâu hơn về kiến thức.
Số lượng giáo viên áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy ở Mỹ tăng lên 78% trong năm 2014, 3/4 trong tổng số 180.000 học sinh trung học tham gia một khảo sát năm 2013 cũng đồng ý rằng flipped classroom mang lại hiệu quả học tập cao hơn so với bình thường.
Phương pháp hiện đại mà giảng viên NUS đang sử dụng để quay/thu các lớp học đảo ngược đó là Lightboard (glasswall) hay bảng đèn, là tấm bảng phiến thủy tinh với hệ thống ánh sáng cần thiết.
Giảng viên sẽ viết và trình bày bài giảng như bình thường và khi video được thu lại, tạo cảm giác giống như giảng viên đang ở trước mặt và giảng bài cho sinh viên. Tuy nhiên, để có được công nghệ đáp ứng được phương pháp này là một thách thức không nhỏ.
Cần sự chủ động của người dạy và học
Giáo sư Walter Lewin của Đại học Massachusetts Institute of Technology (Mỹ) tự treo mình trên dây cáp để chứng minh cho bài giảng mà mình đang trình bày
Để có thể áp dụng thành công những phương pháp trên, thái độ của sinh viên và giảng viên cần được nhấn mạnh.
Cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm hoặc hướng vào người học như đã nói đến ở trên cần được xem xét và nhấn mạnh, người học là người đi học chứ không phải là người được dạy (tính tự nguyện và chủ động).
Giảng viên có thể truyền cảm hứng cho sinh viên, giúp sinh viên với các phương pháp tự học, tự động và khơi dậy trí tò mò tìm hiểu kiến thức ở sinh viên.
Thái độ chủ động, cầu toàn và hướng tới những nền giáo dục tiên tiến làm kim chỉ nam là rất quan trọng cho mỗi giảng viên để có thể đổi mới giảng dạy. Giảng viên chính là người truyền cảm hứng, truyền lửa cho thái độ học tập của sinh viên, khi việc này làm tốt thì từng quân domino sẽ dần đổ theo.
Bình luận (0)