Năm nay, điểm xét tuyển đầu vào sư phạm thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Năm tới, các trường sư phạm sẽ được Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM các năm trước |
Nội dung quan trọng này được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin trong buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trên cả nước chiều 16-8.
Thí sinh điểm cao không còn mặn mà sư phạm
Thống kê của Bộ GD-ĐT, đợt 1 xét tuyển ĐH-CĐ sư phạm chính quy năm nay, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển, chỉ có 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên (điểm trúng tuyển trung bình là 27,75 điểm). Bên cạnh đó, 158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 23,35); 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20).
Dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình cao hơn năm ngoái song, nhìn vào bức tranh tuyển sinh chung của sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành này. Nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. |
Đặc biệt, có 197 ngành tuy lấy điểm xét tuyển dưới sàn (15,5 điểm) song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5. Như vậy, có rất nhiều thí sinh nhập học đạt điểm cao hơn ngưỡng điểm chuẩn đầu vào mà các trường sư phạm đặt ra. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh nhập học có điểm trúng tuyển bằng sàn rất ít. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) chỉ có chưa đến 1% thí sinh có điểm trúng tuyển ở mức 15,5. Trường ĐH Vinh chỉ có 44/638 thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm dưới 18 điểm, trong đó chỉ có 2 em trúng tuyển ở mức 15,5 điểm (đăng ký vào ngành giáo dục quốc phòng an ninh).
Tuy vậy, theo Bộ GD-ĐT, việc một số trường đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình cao hơn năm ngoái, song nhìn vào bức tranh tuyển sinh chung của sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành này. Nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Các trường chỉ ra nguyên nhân nằm ở quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, do vậy số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế. Nhiều thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm từ thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt, vào biên chế khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Ngành sư phạm khó có thể cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo.
Dứt khoát dừng đào tạo ngành dư thừa
Trước những hạn chế trong đào tạo sư phạm thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, cần các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào. Theo đó, việc đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng. “Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng đẩy mạnh kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện thì không được tuyển sinh. Những ngành đủ điều kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng, cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): 5 vấn đề cần làm để cải thiện tình hình đào tạo sư phạm Thứ nhất, cần quy hoạch lại các trường đào tạo giáo viên. Với dân số khoảng 100 triệu người trong vòng 10-15 năm tới, Việt Nam chỉ cần 20-30 trường/khoa sư phạm đào tạo giáo viên. Thứ hai, tính đến việc “kế hoạch hóa” trong giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm. Phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Nhà nước trong tuyển sinh; Nhà nước đặt ra chuẩn đầu vào riêng cho các ngành sư phạm. Nếu chưa đủ chuẩn thì chấp nhận thiếu chứ không thể để các trường sư phạm tuyển sinh với đầu vào thấp. Thứ ba, ưu đãi về vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc cho giáo viên, trong đó có giảng viên trong các trường ĐH sư phạm. Điều này cần có quyết tâm của Chính phủ (một mình Bộ GD-ĐT thì không thể làm), sự đồng thuận của xã hội, nhất là sự chia sẻ của phụ huynh. Thầy cô giáo phải được sống tốt và được tôn vinh vì những gì họ làm cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Thứ tư, các trường sư phạm phải thay đổi để đáp ứng đổi mới của đất nước, tiến bộ của thời đại. Đổi mới giáo dục thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào đổi mới trường sư phạm. Các ĐH, nhất là ĐH sư phạm càng phải “chuyển động nhanh” trong thời đại hiện nay – thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ năm, cách đây 7-8 năm, tôi từng đề nghị đổi mới đào tạo giáo viên theo hướng sau: Một, đào tạo giáo viên trong 5 năm để nhận bằng thạc sĩ – tất cả giáo viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Trong 5 năm đó, ít nhất phải có 1 đến 1,5 năm dạy thật ở các trường thực hành sư phạm. Trước khi hành nghề giáo viên phải thực hành giảng dạy và giáo dục ít nhất 1,5 năm. Hai, cử nhân tốt nghiệp các trường ĐH khác, sẽ học và thực hành nghề nghiệp trong các trường sư phạm 2 năm mới ra làm thầy. Nếu làm như thế chúng ta sẽ có một đội ngũ giáo viên tốt hơn. Làm được 5 điều này, tôi nghĩ tình hình sẽ cải thiện. Thục Trân (ghi) |
Khâu kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo; quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm cũng sẽ được chú trọng. Các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.
Mê Tâm
Bình luận (0)