Giống như bao đứa trẻ khác, từ bé tôi được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của ba mẹ cùng những người thân nên tôi có phần vô lo và vô tâm. Thế nhưng vào cái ngày đó, cuộc đời tôi, con người tôi đã rẽ sang một hướng khác…
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) học tập trong phòng thí nghiệm (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh |
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hôm ấy là chủ nhật, là ngày trường cấp 2 của tôi tổ chức một buổi đi từ thiện. Buổi sáng hôm đó, trừ tôi ra thì chỉ có khoảng 50 bạn khác và các giáo viên của trường. Tất cả chúng tôi đều tự nguyện tham gia bởi đây chỉ là một hoạt động ngoại khóa của trường. Thú thật, tôi cũng không nhớ rõ lý do mình đăng kí vào chuyến đi này là gì, không ai trong lớp tôi đi và tôi cũng không quen biết ai trên xe cả. Phải chăng là nhờ mẹ đã thôi thúc một đứa vô tâm lại lười biếng như tôi tham gia các hoạt động trường lớp? Có lẽ là vậy!
Vào đúng 6 giờ 30 ngày chủ nhật thứ hai của tháng 11, hai chiếc xe 50 chỗ chở các giáo viên và học sinh của một trường THCS bắt đầu lăn bánh. Trên xe, chúng tôi được thầy hiệu trưởng phổ biến về lịch trình của chuyến đi và như đã định, đoàn xe chúng tôi dừng chân tại một trại trẻ mồ côi. Lúc đó là khoảng 10 giờ, mặt trời đã lên cao, chiếu những tia nắng gay gắt xuống chúng tôi. Thế nhưng, dù ánh mặt trời có chói chang đến đâu cũng không làm chúng tôi mệt mỏi bởi trước mặt chúng tôi lúc đó là một vườn cây sum suê với đủ hoa, quả được cắt tỉa gọn gàng. Từ đằng xa, một người phụ nữ vóc người nhỏ bé tiến đến gần và mời đoàn của chúng tôi vào thăm. Thông qua các thầy cô thì tôi được biết cô là người phụ trách việc quản lý và chăm sóc những đứa trẻ ở đây. Chúng tôi theo chân cô vào phòng sinh hoạt chung và ngồi nghe cô giới thiệu về trại trẻ mồ côi này. Cùng những lời giải thích của cô và hình ảnh treo trên tường, tôi mới chợt nhận ra những đứa trẻ ở đây là người khuyết tật… Rồi chúng tôi bắt đầu đi thăm từng phòng. Mỗi phòng chỉ khoảng chừng 10 đứa trẻ và có tất cả 15 phòng như thế. Ở đây, dường như những đứa trẻ đều mang một khiếm khuyết lớn về cơ thể. Có em thì không nhìn thấy, em thì không nghe được, có em lại không có tay, chân, em khác thì lại mắc những căn bệnh lạ và khó chữa. Điều đặc biệt là các em ấy đều có một điểm chung, đó chính là nụ cười. Những đứa trẻ ấy dường như đã là những người bất hạnh nhất, đáng thương nhất khi không chỉ gánh chịu nỗi đau về thể xác mà còn mang một nỗi đau quá lớn trong tâm hồn bé nhỏ khi bị bỏ rơi vì những khiếm khuyết ấy. Thế nhưng các em không gục ngã, nụ cười vẫn luôn trên môi bởi lẽ các em biết rằng mình sẽ có được hạnh phúc sau tất cả nếu luôn cười thật tươi. Nghĩ đến đó thôi, lòng tôi như quặn lại một chút. Chúng tôi được tiếp xúc với một vài em nhỏ. Tôi ngồi xuống bên cạnh một cô bé bị tự kỉ và bị liệt. Tôi bắt đầu trò chuyện và đùa giỡn với cô bé. Em cười một cách sảng khoái và hồn nhiên như một đứa trẻ 5 tuổi vô tư, vô lo. Với thân hình nhỏ nhắn của em, tôi đã nghĩ rằng em chỉ là một đứa trẻ 5 tuổi. Thế nhưng tôi đã lầm, cô bé ấy thực chất đã học xong bậc tiểu học và năm nay em đã 11 tuổi. “Thật sao? Một cô bé 11 tuổi trong thân hình của một đứa trẻ 5 tuổi sao?…”. Mọi suy nghĩ trong đầu tôi đều đổ dồn về em. Tôi bất ngờ với tuổi của em, tôi xót thương cho hoàn cảnh bất hạnh của em, nhưng trên hết tất cả, tôi khâm phục cô gái bé nhỏ ấy. Em đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng dù số phận có vùi dập em, đẩy em vào con đường cùng thì em vẫn sẽ sống, vẫn sẽ học tập, vẫn sẽ làm những điều em mơ ước! Rồi tôi bất giác tự cảm thấy xấu hổ với em, với chính bản thân tôi nữa. Một đứa trẻ lành lặn như tôi, người luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của ba mẹ, được sống đầy đủ, lại luôn than vãn về cuộc sống, luôn ham chơi và lúc nào cũng làm cha mẹ phiền lòng. Lúc này, tôi chẳng nói được câu nào với em nữa, phần vì xấu hổ, phần vì cổ họng tôi tự dưng nghẹn lại. Nước mắt tôi bắt đầu rơi. Tôi khóc. Tôi cố ghìm lại những giọt nước mắt ấy vì tôi không muốn cô bé ấy nhìn thấy tôi như vậy. Nhưng tất cả đều vô dụng. Tôi vỡ òa trong từng tiếng nấc… Rồi cũng đến lúc tôi phải về. Thấy tôi đi em vội dúi vào tay tôi một viên kẹo. Có lẽ em muốn cảm ơn tôi vì đã đến thăm và chơi với em nên đã lấy viên kẹo làm quà. Thế nhưng em đâu biết rằng, em đã tặng tôi những món quà quý giá mà ngay cả tiền bạc cũng không mua được. Đó chính là nghị lực!
Chuyến đi ấy đã làm thay đổi con người tôi, thay đổi những suy nghĩ trong tôi và cũng đã tạo nên tôi của ngày hôm nay: một cô gái với mơ ước trở thành người thay đổi thế giới – một nhà hoạt động xã hội. Đúng vậy! Tôi muốn giúp các em nhỏ nghèo được đến trường, tôi muốn mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ bị khuyết tật và mồ côi, tôi muốn trở thành tiếng nói cho các em, tôi muốn đấu tranh cho những con người chịu sự kì thị của xã hội…
Nguyễn Lê Quỳnh Anh
(Lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)
Bình luận (0)