Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

40 năm Sài Gòn – TP.HCM: Vinh quang người giáo viên thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyện vọng phổ biến của nhà giáo cũng như mọi người lao động khác là thu nhập đủ sống, đảm bảo cuộc sống ổn định, an tâm đầu tư tinh thần và trí tuệ cho nghề nghiệp.

Một tiết học của thầy trò Trường THPT Bùi Thị Xuân

Trong công việc, nhà giáo bao giờ cũng muốn có học trò giỏi, chăm học để có điều kiện phát huy hết tài năng của mình cho thế hệ trẻ. Những thầy giáo, cô giáo tâm huyết và giàu kinh nghiệm đã thường trao đổi với quý vị phụ huynh là: Nhà giáo không sợ học sinh dở, chỉ sợ học sinh không chịu học! Nếu học sinh chưa yêu mến môn học, thầy cô giáo có thể làm cho học sinh yêu mến; nhưng nếu học sinh chán học vì gia đình, mất phương hướng, thiếu động cơ học tập thì rất khó khăn!

Về quản lý, nhà giáo luôn mong muốn có cơ chế hoạt động thân thiện, tạo điều kiện cho thầy cô giáo phát huy sáng kiến, mở rộng tầm nhìn. Cán bộ quản lý giáo dục phải là người am hiểu chuyên môn, khát khao tiến bộ, luôn chia sẻ những khó khăn với cộng sự, mạnh dạn tháo gỡ những rào cản về tư duy, về điều kiện cống hiến trong công cuộc đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của xã hội hiện nay. Hệ thống giá trị của ngành phải được thiết lập trên cơ sở thực chất và sự tận tụy, tất cả vì học sinh thân yêu; không giản đơn, tùy tiện hoặc hình thức sáo rỗng… động viên được đội ngũ nhà giáo ngày càng phát triển với đầy đủ phẩm hạnh và tài năng vốn có.

40 năm nhìn lại, giáo viên TP.HCM luôn tự hào với vai trò của mình. Tự hào không chỉ vì thiên chức xã hội trao cho, cũng không phải chỉ vì lực lượng to lớn, ngày càng phát triển với sự đoàn kết và nhất quán của mình, mà quan trọng nhất là những nguyện vọng chính đáng của thầy giáo, cô giáo luôn được trân trọng.

Truyền thống tiên phong, năng động và dám nghĩ dám làm của địa phương luôn là nguồn cảm hứng cho đội ngũ sáng tạo vượt khó. Từ những lớp hệ B của Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 vào những năm đầu thập niên 80 đã mở đường cho chủ trương xã hội hóa giáo dục trên cả nước, phá vỡ thế bế tắc về đầu tư của ngành qua những năm đầu giải phóng. Quyết định 02/2003/QĐ-UB về quy hoạch hệ thống trường học của Chủ tịch UBND TP.HCM đã mở đầu cho phong trào xây dựng trường lớp. Hằng năm, cứ vào dịp khai trường học sinh thành phố có thêm hàng ngàn phòng học mới, đảm bảo chỗ học cho mọi con em địa phương. Và, cũng từ đây chủ trương kiên cố hóa trường lớp trên cả nước được hình thành và phát triển.

HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ về phương pháp học tập với các nhà giáo trong và ngoài nước

Về chuyên môn, cùng với công cuộc đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT, GD-ĐT TP.HCM từ thứ hạng trên 30 đã lên dẫn đầu cả nước vào năm 2006, từ đó công nghệ thi cử của địa phương được cả nước công nhận về tính chuyên nghiệp và giá trị trung thực của tập thể sư phạm TP.HCM.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, giáo viên TP.HCM đã phát huy thật tốt những thế mạnh vốn có của địa phương là cửa ngõ quốc tế, là nơi có đội ngũ sư phạm năng động và là nơi có một lực lượng phụ huynh hùng hậu, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhà trường, nên đã tạo được những bước chuyển biến mới tích cực tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Về nhận thức, người giáo viên TP.HCM đã biết rõ sự lạc hậu về tính áp đặt trong phương pháp dạy học, đã thấy cần phải giảm sĩ số học sinh trong lớp, thực hiện phương pháp dạy học tương tác, trải nghiệm mới có thể dạy người thay cho khoa bảng, đào tạo được thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, trách nhiệm và biết hợp tác. Và, đặc biệt là biết được rằng mình phải khiêm tốn học tập không ngừng một cách tích cực với tinh thần cầu tiến để tránh lối mòn cố hữu không còn phù hợp.

Về tổ chức, ngoại ngữ và tin học là những môn học của thời đại, ngay từ những năm của thập niên 90, TP.HCM đã có đề tài khoa học Xây dựng nội dung chương trình tin học trong nhà trường, đồng thời du nhập phương pháp dạy ngoại ngữ hiện đại tại các trung tâm văn hóa ngoài giờ thay cho phương pháp cổ điển trong nhà trường phổ thông trước đó. Năm 1999 xây dựng thành công chương trình tăng cường tiếng Anh từ mô hình tăng cường tiếng Pháp đáp ứng yêu cầu xã hội rất to lớn lúc bấy giờ trước khi phát triển rộng trên cả nước ở bậc tiểu học.

Bên cạnh việc thực hiện tốt nội dung chương trình giáo dục hiện hành theo yêu cầu đổi mới, TP.HCM còn xây dựng Trường Quốc tế Việt Úc thuộc Sở GD-ĐT để chủ đạo hệ thống giáo dục quốc tế TP.HCM, một lĩnh vực cần thiết phải mở rộng nhưng chưa có kinh nghiệm quản lý, đồng thời xây dựng nhiều trường Việt Nam theo chuẩn quốc tế về sĩ số ít trong lớp, về trang thiết bị hiện đại và về quản lý, về chuẩn dạy học của giáo viên…

Và, trên đỉnh cao của công cuộc đổi mới, Bộ GD-ĐT đã giao cho TP.HCM đi đầu công nhận tốt nghiệp phổ thông và biên soạn sách giáo khoa.

Nhìn chung về GD-ĐT TP.HCM, tuy chưa hết những khó khăn, các cấp lãnh đạo và nhà trường còn phải tiếp tục phấn đấu để đáp ứng tốt hơn nữa những nguyện vọng chính đáng của thầy cô giáo. Nhưng là giáo viên TP.HCM, chúng ta thấy rất tự hào về những gì đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Ai đến với TP.HCM cũng thấy vui mừng với sự phát triển trường lớp về số lượng lẫn chất lượng, người dân địa phương hài lòng về điều kiện và kết quả học tập của con em, thầy cô giáo nhận được nhiều tin vui từ những công trình của học sinh du học ở các nước gửi về. Vinh quang người giáo viên TP.HCM.

TS. Huỳnh Công Minh
(Tháng 11-2016)

Bình luận (0)