Chiều nay (4-7), TS hoàn thành bài thi môn sinh học – môn thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia. Kết thúc kỳ thi, đa số TS và giáo viên đánh giá các đề thi năm nay đều có độ phân hóa rõ ràng, nhiều câu hỏi gắn liền với đời sống thực tiễn, kể các các môn như lịch sử, hóa học, sinh học.
TS trao đổi sau khi hoàn thành bài thi môn sinh học tại điểm thi Trường THPT Gia Định
Môn sinh học: Khá dài nhưng gắn thực tiễn
Tại điểm thi Trường THPT Gia Định, đa số TS rời điểm thi sau khi giờ thi môn sinh học kết thúc, nhiều em còn cho rằng không đủ thời gian làm bài vì nhiều câu TS phải tư duy cao, tập trung tính toán nhiều mới làm được.
TS Lê Hoài Nam, Trường Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định thi tại điểm này cho biết: “Em nghĩ mình chỉ làm được tối đa là 50% bài thi. Cấu trúc môn sinh học giống với môn hóa học ngày hôm qua, đó là 50 câu trắc nghiệm, trong đó có 30 câu đầu kiến thức cơ bản, 20 câu còn lại khó hoặc rất khó và lại dài nữa, trong đó khó nhất là phần thí nghiệm”.
Ngay sau khi hoàn thành bài thi môn sinh học, TS Nguyễn Thị Trúc Mai, TS tự do là sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM thi tại điểm thi ĐH Đà Lạt năm nay thi lại 3 môn toán, hóa, sinh để xét tuyển vào các trường Y cho biết: “Em xin bảo lưu kết quả ở trường ĐH Kinh tế thành phố cả nửa năm nay để ôn thi lại. Môn sinh học là môn em học tốt nhất, em làm được hết tất cả các câu nhưng đề khá dài, nhiều câu rất khó nên em sợ sẽ sai sót một số câu. Đề thi có nhiều câu gắn liền với đời sống thực tế như câu hỏi về các hoạt động góp phần khắc phục suy thoái môi trường do biến đổi đổi khí hậu và các hoạt động bảo vệ môi trường”.
Đồng tình với ý kiến TS, cô Phạm Thị Hồng Lâm, giáo viên môn sinh, Trường THPT Trần Hưng Đạo nhận định: Đề thi môn sinh học có mức độ phân hóa cao nhưng vẫn bám sát chương trình SGK, trong đó 30 câu đầu kiểm tra kiến thức cơ bản, 20 câu sau phân loại TS, trong đó có 5 câu rất khó. Đề có một số câu liên hệ với đời sống thực tế như vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay, phân loại các loại bệnh… kích thích sự hứng thú cho các em, từ đó các em sẽ yêu thích môn học này hơn. Nhìn chung, đề có nhiều câu hỏi phải có kiến thức chuyên sâu, TS có học lực thật giỏi mới làm được điểm cao.
Những TS đầu tiên hoàn thành bài thi môn sinh học chiều nay (4-7) bước ra điểm thi Trường ĐH Sài Gòn
Mang tính ứng dụng cao
Theo khảo sát của nhóm PV Giáo dục TP.HCM ở nhiều TS và giáo viên, đề thi năm nay ở hầu hết các môn đều có những câu hỏi gắn liền với thực tế, mang tính ứng dụng cao nên TS khá thích thú dù để đạt được điểm cao là không dễ.
TS Nguyễn Trí Hân, Trường THPT Trí Đức thi tại điểm thi Trường THPT Gia Định chọn 3 môn thi toán, hóa, sinh để xét tuyển vào ĐH chia sẻ: “Đề thi hóa học và cả sinh học đều có nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng rất cao. Chẳng hạn, đề hóa học có những câu yêu cầu TS biết vận dụng kiến thức đã học vào giải các bài toán cụ thể, trong đó phần giải bài tập chiếm tới 40% số lượng câu hỏi”.
Ở đề môn lịch sử sáng nay, TS lại thích thú cho câu hỏi tuổi trẻ cần làm gì cho truyền thống dân tộc. “Câu này khá dễ, không cần những kiến thức lý thuyết trong SGK TS vẫn có thể làm được vì nếu TS có cách nhìn rộng, tham nhiều hoạt động cộng đồng thì sẽ có cảm xúc để làm tốt” (TS Lê Trần Trung Hiếu, Trường THCS-THPT Nguyễn Thái Bình thi tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ).
Trước đó, môn địa lý cũng được nhiều TS và giáo viên đánh giá là mang tính thời sự cao khi Bộ GD-ĐT đưa tình trạng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào đề thi để TS giải quyết. Còn đối với môn văn, vấn đề hèn nhát và dũng khí cũng là đề tài quen thuộc của giới trẻ hiện nay…
HÀ XUYÊN
Bình luận (0)