Tuyệt đối không để điện thoại trong cốp xe, không sử dụng điện thoại ở cây xăng là những khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng điện thoại cá nhân, nhất là trong dịp du xuân có nhu cầu đi lại cao hơn ngày thường.
Không nên để điện thoại trong cốp xe để phòng tránh cháy nổ |
Điện thoại để trong cốp gây cháy xe
Đó là lời cảnh tỉnh sau sự cố hy hữu đã xảy ra vào lúc 22 giờ ngày 13-1 vừa qua, trên đoạn đường gần Trường THPT Nguyễn Du (tọa lạc tại số 772, quốc lộ 14, P.Tân Phú, TX.Đồng Xoài, Bình Phước). Nguyên nhân được xác định là do chủ xe để điện thoại trong cốp khi đang lưu thông nên đã gây cháy. Đến khi người dân đem nước ra dập tắt được ngọn lửa thì chiếc xe đã bị cháy trơ khung. Sau khi clip này được đăng tải, không ít người trẻ đã lên tiếng cảnh báo bạn bè không nên để điện thoại vào cốp xe để tự bảo vệ mình.
Theo khuyến cáo của siêu thị Điện Máy Xanh, khi tham gia giao thông, người sử dụng không nên để điện thoại di động (trong trạng thái hoạt động) vào cốp xe. Vì hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay, đặc biệt là smartphone, đều sử dụng pin Li-ion. Đây là loại pin rất nhạy cảm với tác động lực cũng như nhiệt độ, nên không để thiết bị ở những khu vực có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Theo quy định, thiết bị sử dụng pin Li-ion được khuyến cáo nên sử dụng ở nhiệt độ từ 5 độ C đến khoảng 35 độ C. Đặc biệt là cần tránh để ở những nơi có nhiệt độ cao như trong xe hơi, trong cốp xe máy (nhất là vào mùa hè). Vì cốp thường nằm gần động cơ của xe nên dễ tỏa nhiệt lượng cao, có khi nhiệt độ tăng cao đến hơn 60 độ C sẽ làm hư pin hoàn toàn, hoặc làm nổ pin và gây cháy xe.
Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn chưa được người dân cảnh giác đúng mức, nhất là phụ nữ thường có thói quen để điện thoại, máy tính bảng (tablet) trong cốp xe khi di chuyển. Anh Trần Văn Thông, cố vấn dịch vụ của Công ty TNHH Sửa chữa ô tô Trường Thành lưu ý, trong quá trình đi xe, người sử dụng không nên để các chất, vật dễ cháy, dễ làm mồi cho lửa như điện thoại di động, nước hoa, bật lửa gas, lon nước ngọt… trong cốp xe. Thay vào đó, phụ nữ nên mang theo ba lô hoặc túi khoác đựng vật dụng để được an toàn. Trong trường hợp không còn chọn lựa nào khác, thì nên tắt nguồn điện thoại trước khi cho vào cốp xe.
Sử dụng điện thoại ở cây xăng dễ gây hỏa hoạn
Trường hợp đầu tiên được ghi nhận bị bỏng nặng do nghe điện thoại tại cây xăng là anh Vũ Trọng Khanh (ngụ Gia Lâm, Hà Nội). Sự việc xảy ra vào buổi tối ngày 28-11-2011, khi anh Khanh đến cây xăng Phù Đổng (quận Long Biên) để lấy hóa đơn mua xăng. Trong lúc vào phòng vệ sinh thì điện thoại có cuộc gọi tới, anh Khanh bấm nút nghe lập tức bị ngọn lửa lùa vào và bùng lên đốt cháy cả quần áo. Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn xác định nạn nhân nhập viện trong tình trạng bỏng toàn thân, với độ rộng khoảng 60% diện tích cơ thể, bị tổn thương đường hô hấp, có nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm độc cao.
Điều 11 của Nghị định 52/2012/NĐ-CP nêu rõ: – Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm… – Trong trường hợp sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm… sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. |
PGS.TS Lê Tiến Thường, Bộ môn viễn thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM khuyến cáo người dân nên tránh sử dụng điện thoại di động mỗi khi đến trạm xăng dầu. Do xung quanh trạm xăng luôn có hơi xăng có thể biến thành khí gas và có thể có những ion tích điện. Trong khi đó, điện thoại di động có hai băng sóng hoạt động là 800-900MHz và 1.800-1.900MHz. Khi người dùng kích hoạt kết nối điện thoại với trạm phát sóng điện thoại di động (các trạm BTS), công suất phát sóng của điện thoại sẽ tăng vọt so với trạng thái tĩnh (chờ cuộc gọi). Chính ngay lúc tăng mạnh công suất nếu rơi vào hiện tượng cộng hưởng điện từ và tương tác điện từ sẽ gây kích nổ tạo ra những tia lửa vào hơi xăng gas, vì vậy sẽ gây cháy nổ điện thoại và gây hỏa hoạn.
Thông tin từ Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) cho biết, quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, các điểm bán lẻ đã được các tổ chức và tập đoàn dầu lửa trên thế giới quy định trong mọi hoạt động của họ. Riêng tại Việt Nam, từ năm 2006, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – lúc đó còn là Tổng Công ty Petrolimex) đã xuất bản tài liệu hướng dẫn an toàn PCCC xăng dầu trong toàn hệ thống. Trong đó có quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, trạm bán lẻ. Tuy nhiên, để việc PCCC có hiệu quả, bên cạnh quy định của cơ quan chức năng, thì ý thức của người dân cũng là một trong những yếu tố quyết định.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)