Đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải chấm dứt hoạt động, sau đó toàn bộ hoạt động giết mổ sẽ được đưa vào các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp hiện đại.
Đó là một trong những nội dung chính của quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngày 25/5.
Theo quy hoạch, đến cuối tháng 6/2016 sẽ ngưng hoạt động Xí nghiệp Giết mổ Nam Phong (Bình Thạnh) và cơ sở giết mổ Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức). Hai cơ sở này sẽ đưa vào giết mổ tại Cơ sở giết mổ trung tâm quận Bình Tân và cơ sở thuộc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) ở Bình Thạnh.
Đến cuối năm 2016, ngưng hoạt động tiếp Cửa hàng thực phầm Bình Đông, chuyển vào giết mổ tại VISSAN.
Đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ heo thủ công phải chấm dứt hoạt động, ngoại trừ hai cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của huyện. Thay vào đó, toàn bộ hoạt động giết mổ heo sẽ được đưa vào hoạt động tại sáu nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại tại hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, với công suất giết mổ 10.000-15.000 con/ngày.
Đồng thời, hai nhà máy giết mổ gia cầm quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn huyện Củ Chi, với tổng công suất giết mổ 250.000-300.000 con/ngày cũng được đưa vào hoạt động.
Nhà máy giết mổ bò tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Delta làm chủ đầu tư, công suất 200 con/ngày; và Công ty VISSAN sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy giết mổ tại cụm Công nghiệp chế biến thực phẩm VISSAN, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, công suất 300 con bò/ngày và nhà máy giết mổ heo 2.500-4.000 con/ngày cũng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2017.
Với dân số khoảng hơn 10 triệu người và số lượng lớn khách du lịch vãng lai nên nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt trên địa bàn thành phố được dự báo khoảng 615.000 tấn thịt/năm. Do đó, việc quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho người dân nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.
Ngoài ra, nỗ lực này cũng đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và quản lý nước thải từ các cơ sở giết mổ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh, nhằm bảo vệ sức khỏe đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Trong khoảng thời gian này, các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu còn tồn tại nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, nên việc tuân thủ các quy định về giảm thiểu mùi hôi, tiếng ồn, công tác vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quản lý.
Tính đến cuối năm 2015, thành phố còn 21 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, với công suất bình quân hàng đêm trên địa bàn thành phố khoảng 7.555 con heo, 82.000 con gà và 25 con trâu, bò. Trong giai đoạn 2011-2015, Chi cục Thú y đã xử lý 186 trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm sống trái phép trên địa bàn thành phố./.
Bình luận (0)