Mỗi chiều cuối tuần, bà Đàm Lê Đức vẫn tất bật chuẩn bị giáo án và các công việc cho tuần tiếp theo tại hai trường: cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS – THPT Đức Trí (TP HCM). Nhìn đôi mắt tinh anh, dáng đi thoăn thoắt, nghe giọng nói sang sảng ngay buổi đầu gặp mặt, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết bà đã bước qua tuổi 85.
Bà Đức quê gốc ở Quảng Yên (Quảng Ninh) trong một gia đình nhà nho. Từ nhỏ bà rất ham học, đến năm 12 tuổi thì đậu vào lớp 6 trường nữ sinh Đồng Khánh (Hà Nội). Năm sau, trong một cơn gia biến, bà phải nghỉ học để về quê ở Quảng Yên phụ gia đình nuôi tằm, dệt vải.
Năm 18 tuổi, bà được người chị cả cho lên Hà Nội học may cắt Âu phục và Việt phục. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi cả hai lớp chỉ trong 6 tháng, bà về lại quê, mở tiệm may. Nhưng nữ sinh trường Đồng Khánh năm nào vẫn không từ bỏ ước mơ tiếp tục đi học. May mắn cho cô gái đôi mươi khi năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, những người ở vùng tạm chiếm như Quảng Ninh được tạo điều kiện cho lên Hà Nội học mà không phải nộp học bạ.
Với số tiền để dành từ nghề may chỉ đủ phí cho hai năm, bà buộc phải học "nhảy" để vào được đại học. "Tôi xin bố mẹ cho ngừng công việc may, nhờ em trai dạy lại chương trình Toán. Sau mấy tháng học gấp, tôi xin vào học lớp đệ nhị trường Trương Vương, năm tiếp theo học đệ nhất trường Nguyễn Trãi. Tôi đậu vào khoa Toán Đại học Tổng hợp năm 25 tuổi", bà Đức kể.
Tốt nghiệp đại học, bà Đức về Hải Phòng dạy Toán tại một số trường cấp ba, sau đó là đại học tại chức Hải Phòng. Đến năm 1983, khi ngoài 50 tuổi, bà chuyển công tác vào Sài Gòn, dạy khoa Toán thống kê của Đại học Kinh tế TP HCM và 6 năm sau thì nghỉ hưu theo chế độ.
Tuy nhiên, do khát khao đứng lớp vẫn cháy bỏng, trước đó năm 1985 bà cùng các anh chị em, cũng là những nhà giáo ở tuổi hưu, đã thành lập lớp dạy kèm – tiền thân của cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng hiện nay. Năm 2010, gia đình bà thành lập trường THCS – THPT Đức Trí, gồm hai cơ sở tại quận 7 và quận Phú Nhuận.
Hiện, ở tuổi 85, bà vẫn đều đặn đứng lớp trực tiếp giảng dạy đức dục và trí dục cho học sinh hai trường. Tùy theo từng cấp mà nội dung sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu là các chuyên đề về sự hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái vời bè bạn; văn hóa ứng xử trong nhà trường và xã hội. Những bài giảng của bà được nhận xét không quá cầu kỳ, không mang tính giáo huấn, khuyên răn mà là những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống.
Trong các bài học về đức dục và trí dục, bà tâm đắc nhất về đạo làm con. Bà giáo già luôn dạy học trò rằng, cha mẹ là người thầy đầu tiên, trọn đời và toàn diện của mỗi người. "Ngày 20/11, các con mua hoa tặng thầy cô trong trường nhưng đã mua hoa tặng cha mẹ chưa?", "Có bao giờ các con nghĩ đến việc không còn cha mẹ không?"… là những câu hỏi khiến bao thế hệ học trò vỡ òa.
Bà Đức cho rằng, những trăn trở về đạo hiếu xuất phát từ tình yêu thương của bà với cha mẹ. Sự cực khổ của cha mẹ để nuôi các anh chị em trong gia đình được ăn học và trưởng thành đã hằn sâu trong tâm trí từ ngày thơ ấu.
Bà không lập gia đình. Ngẫm lại cuộc đời, bà cho rằng, mình có căn tu. Lúc còn bé, vì mẹ bị bệnh tim nên bà luôn ở gần bên mẹ để chăm sóc khi bệnh tình tái phát. "Khi nào ở bên mẹ, tôi cũng kể đủ chuyện để bà cười, không lúc nào để mẹ buồn", bà Đức hồi tưởng.
Bên cạnh bài học về hiếu thảo, mỗi khi đứng lớp, bà giáo thường chia sẻ với học trò về công thức "K+K+T+N" (kiên định, kiên trì, thời gian và niềm tin). Theo bà, thành công là sự tích lũy được bốn yếu tố: kiên định vững vàng con đường mình đã chọn, kiên trì theo đuổi tới cùng mục tiêu tới cùng, thời gian cần được quý trọng và niềm tin vào chính mình.
Ánh nắng buổi chiều đầu năm qua khung cửa sổ làm hiện rõ những nếp nhăn và mái tóc bạc phơ của bà giáo. Sau phút trầm ngâm, bà chỉ về bức tranh chân dung của mình ở góc tường do ông họa sĩ vẽ tặng. Bà nói, tranh vẽ rất đẹp nhưng có chi tiết nhỏ – chiếc vòng ngọc trang sức trên cổ – chứng tỏ là ông họa sĩ này chưa từng gặp bà. "Cả đời tôi chưa bao giờ đeo trang sức, cũng chẳng biết đến phấn son hay nước hoa", bà hóm hỉnh tâm sự.
Trò chuyện với bà, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết điện thoại di động của nhà giáo này không một dòng danh bạ vì cần gọi ai thì bà sẽ bấm số. Có khoảng 100 số điện thoại người thân, bạn bè và các đồng nghiệp trong trường được lưu vào trí nhớ. Đó cũng là cách để bà rèn trí nhớ.
Hàng ngày, bà thức dậy lúc 4h sáng, tập khí công "suối nguồn tươi trẻ" hoặc đi bộ một vòng công viên, sau đó về văn phòng. Nhờ thói quen này, bà làm việc không mỏi mệt, giảng dạy vẫn hăng say. Nhiều thế hệ thủ khoa, á khoa các kỳ thi đại học và học sinh giỏi cấp thành phố đã trưởng thành từ hai ngôi trường mà gia đình bà gây dựng. Giở cuốn sổ vàng của trường, nét mặt nhà giáo Đức trỗi dậy niềm tự hào vì đó là thành quả lớn nhất trong 57 năm đứng trên bục giảng.
Với cái tuổi "gần đất xa trời", bà cho biết đang chuyển giao công việc quản lý trường cho các đồng nghiệp. Còn việc đứng trên lớp giảng dạy về đức dục và trí dục, bà sẽ làm đến phút chót cuộc đời, vì "được giảng bài khiến tôi vô cùng thích thú".
Theo VnExpress
Bình luận (0)