Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tương lai bất ổn cho Skype và 480 triệu người dùng

Tạp Chí Giáo Dục

Đàm thoại qua Skype đã phổ biến trên toàn thế giới. Ảnh: CNN.

eBay, hãng sở hữu Skype, cho biết công cụ VoIP được ưa chuộng nhất thế giới này có thể mất quyền sử dụng mã nguồn phần mềm hiện nay do rắc rối về mặt pháp lý.

Người dùng Skype có thể yên tâm rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch vụ này sẽ biến mất trên thị trường. Nhưng cuộc chiến giữa eBay và Joltid, công ty tạo ra công nghệ cho Skype, cũng không dễ dàng chấm dứt.

Năm 2005, eBay bỏ ra 2,6 tỷ USD để mua lại Skype. Dịch vụ VoIP này đạt doanh thu 170 triệu USD trong quý II/2009, tăng 25% nhưng hãng đấu giá trực tuyến vẫn dự định sẽ bán Skype vào năm tới.

Mọi chuyện trở nên rắc rối khi nhà sáng lập Skype là Niklas Zennström và Janus Friis, hiện điều hành công ty Joltid, cáo buộc eBay đã "chỉnh sửa mã nguồn của Joltid" trong khi điều khoản thỏa thuận giữa hai bên nêu rõ eBay "không được sở hữu hay thay đổi mã nguồn phần mềm".

Skype kiện lại Joltid tại Anh, nói rằng Joltid không có quyền chấm dứt hợp đồng sử dụng công nghệ. Joltid lập tức phản công rằng chính Skype mới là kẻ phá vỡ thỏa thuận.

"Dù tự tin vào khả năng thắng kiện, Skype vẫn sẽ gặp bất lợi nếu không thể giải quyết qua đàm phán", đại diện của eBay cho hay. Hãng này đang cố gắng phát triển phần mềm ngang hàng (P2P) thay thế cho mã nguồn hiện tại của Skype trước khi phiên tòa diễn ra vào tháng 6/2010.

"Nếu phần mềm mới không thành công, Skype có thể mất đi một số chức năng và một phần khách hàng. Và kể cả có thành công thì cái giá cũng rất đắt", eBay lo ngại.

Một số nguồn tin còn khẳng định khi eBay tuyên bố sẽ bán Skype, Zennström và Friis đã đề nghị mua lại dịch vụ này.

Trong trường hợp những tranh chấp pháp lý khiến Skype không thể tồn tại, người dùng Internet sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng cũng sẽ tạo điều kiện cho Google Voice mở rộng để lấp chỗ trống và thống trị thế giới đàm thoại trực tuyến.

Lê Nguyên (Theo VNE)

Bình luận (0)