Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Biến khủng hoảng thành “sức mạnh thông tin”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, việc phát triển kênh trực tuyến không chỉ giúp người tiêu dùng thuận tiện, thoải mái trong việc tiết kiệm thời gian mua sắm mà còn giúp doanh nghiệp tăng thêm doanh số bán hàng. Điều này cũng giống như một mũi tên đạt được hai mục đích: “vừa tăng doanh số bán hàng, vừa đón đầu tương lai".

Miếng bánh hấp dẫn

Tại Việt Nam, kênh trực tuyến dù phủ khá nhiều ngành hàng: điện máy, điện thoại di động, sách, mỹ phẩm, ngân hàng, vé máy bay… nhưng đa phần chưa thực hiện hết chức năng mà hiện nay chủ yếu được sử dụng làm kênh marketing hơn là bán hàng. Điều này cũng dễ hiểu khi mà việc mua bán trên mạng vẫn chưa thể tạo được niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng. Tâm lý này rất khó thay đổi trong thời gian ngắn bởi niềm tin giữa người tiêu dùng và nhà bán lẻ chưa cao. Lấy ví dụ như người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đổi trả hàng khi không vừa ý, việc bảo hành thì nhiêu khê… Rất ít nhà bán lẻ tại Việt Nam cung cấp dịch vụ đổi trả hàng không cần lí do trong vòng thời hạn nhất định sau khi mua hàng, một quy định rất phổ biến tại các nước đã phát triển.

Tuy nhiên, với khoảng 19 triệu người đang sử dụng internet (con số này dự báo sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới, thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam năm 2008), về lâu dài, ngành bán hàng trực tuyến tại Việt Nam cũng sẽ có những bước phát triển nhảy vọt như các nước Mỹ, Nhật, và châu Âu đã trải qua (tại Anh, doanh số bán lẻ trực tuyến hiện nay khoảng 19,5 tỉ bảng/năm, chiếm 7% tổng doanh số bán lẻ, theo Verdict Research). Vì thế, việc tham gia đầu tư kênh bán hàng trực tuyến uy tín và chất lượng là hướng đi tất yếu cho mỗi doanh nghiệp, nếu không muốn bị mất phần trong miếng bánh khá hấp dẫn này.

Nói như thế do trong thời điểm kinh tế suy thoái, việc phát triển kênh trực tuyến giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng nhờ thêm khách hàng mới mà kênh truyền thống không tiếp cận được. Trong thời gian qua, có những công ty đã phát triển từ những trang web bán lẻ lên thành những tập đoàn bán lẻ trực tuyến với giá trị thị trường hơn cả những tập đoàn bán lẻ truyền thống có lịch sử lâu đời.

Cần một hướng đi cần thiết

Những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, sau thời gian mở rộng quá nhanh và nóng trong những năm trước, hiện đang chịu áp lực khá lớn về chi phí mặt bằng và nhân sự, có doanh nghiệp đã phải đóng bớt cửa hàng. Trong khi đó, kênh bán hàng trực tuyến có thể giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng một số chi phí. Khi giảm chi phí cũng đồng nghĩa với việc chất lượng, dịch vụ của kênh bán hàng này sẽ tăng lên, vừa thể hiện cho khách hàng thấy tính năng động, luôn theo sát sự thay đổi của thị trường và động thái của các đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Trần Lê Nhật Quốc, Giám đốc Công ty thương mại điện tử Quốc Tế Mới, (chủ sở hữu website Giaremoingay.com), sân chơi trực tuyến không chỉ dành cho các công ty lớn. Người dùng internet ngày càng có xu hướng dùng các công cụ tìm kiếm để tìm thông tin sản phẩm, dịch vụ và tìm đến các trang web mua bán trực tuyến. Các cửa hàng với sản phẩm chuyên dụng nếu biết cách tiếp thị trực tuyến hiệu quả sẽ tiếp cận được khách hàng mục tiêu của mình với chi phí thấp, chất lượng và dịch vụ tối ưu.

Thực vậy, riêng về thị trường bán lẻ, có đến 65% số người mua hàng tìm kiếm thông tin về mẫu mã, thông số kỹ thuật, giá cả của sản phẩm qua internet trước khi quyết định mua hàng. Trong số đó, có gần 30% – chủ yếu là giới trẻ – có quyết định mua hàng chịu ảnh hưởng của internet.

"Với Giaremoingay.com khách hàng mua hàng có thể vào quan sát được thông tin về nguồn gốc, thông tin chi tiết sản phẩm, chế độ bảo hành… Đối với các mặt hàng lớn, khách hàng có thể xem hàng tận nơi để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ngoài ra giaremoingay.com còn có thể tư vấn mua hàng cho khách theo từng yêu cầu về sản phẩm hoặc theo ngân sách hiện có để khách hàng có thể lựa chọn được những sản phẩm ưng ý nhất khi gọi cho số hotline hoặc chat trực tuyến trên web", ông Quốc cho biết.

Theo Giáo sư Trần Vũ Hòa – người đang giảng dạy về thương mại điện tử tại Đại học New York (Mỹ), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn WorldSoft, muốn phát triển thương mại điện tử, Việt Nam cần có kế hoạch phát triển băng thông song song với việc phát triển các ứng dụng, quan tâm đến vấn đề bảo mật để tạo sự tin tưởng nơi người sử dụng và thu hút các doanh nghiệp tham gia… Và điều quan trọng vẫn là lắng nghe khách hàng và bán hàng theo nhu cầu, sở thích của họ. Chỉ có như thế, một trang web bán lẻ trực tuyến mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Vũ Hoàng (Theo TNO)

Bình luận (0)