Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mùa hè đi bán… ước mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Em Hoàng cùng người đồng hương trước giờ đi bán vé số

Nghèo, để được đến trường, không ít trẻ ở tỉnh phải vào Sài Gòn mưu sinh với công việc bán vé số trong hè. Trong số ấy, có trường hợp chẳng muốn trở lại trường vì “kiếm tiền thấy ham”.

Không ngại khó

Hai năm rồi Nguyễn Văn Hoàng (Hòa Định Tây, Phú Yên) không có mặt trong buổi lễ tổng kết năm học vì phải tranh thủ thời gian vào Sài Gòn bán vé số kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. “Thi học kỳ xong là nó (Hoàng – PV) đón xe vào Sài Gòn liền, mấy năm trước cũng vậy. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, mấy anh em đứa lớn lo cho đứa nhỏ, cũng từ công việc bán vé số”, ông Tú, ở cùng nhà trọ và cũng là người hàng xóm của Hoàng ở quê, cho biết.

Từ ngày mẹ mất, gia đình Hoàng ngày càng túng quẫn hơn với đống nợ gần 100 triệu đồng vay mượn chạy chữa thuốc thang cho mẹ. Là con lớn trong gia đình, Hoàng ý thức được mình cần phải làm gì ngay lúc này. Em thủ thỉ với ba: “Con nghỉ học đi bán vé số phụ ba nha”. Nghe con nói vậy, ông giận lắm bởi trong đầu của người đàn ông trụ cột ít chữ kia đã từng nghĩ: “Dù có chết đói vẫn lo cho con cái ăn học”. Hoàng thuyết phục ba mãi, ông phải đành chấp nhận cho con đi bán vé số với điều kiện: “Chỉ bán vào kỳ nghỉ hè”.

14 tuổi nhưng Hoàng có đến 5 cái hè bán vé số ở đất khách. Em nhớ lại: “Lúc mới vô Sài Gòn, hàng ngày ba dắt em từ Q.1 sang Q.10 rồi qua Q.Tân Bình. Thời gian đầu chân mỏi, ê ẩm cộng với mưa nắng thất thường khiến em ngã bệnh. Mấy ngày sau ba chia cho em 50 tờ vé số đi bán thử quanh các con hẻm trên đường Cống Quỳnh và Nguyễn Trãi (Q.1), gần nhà trọ”. Hoàng bắt đầu công việc mưu sinh nơi đất khách từ đó.

Em Nguyễn Thị Tố Mẫn mời khách mua vé số

Hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Tố Mẫn, học lớp 4 Trường Tiểu học số 2 Sơn Thành Đông (thôn Lạc Điền, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) chẳng khá hơn. Gia đình 5 miệng ăn nhưng chạy gạo từng bữa. Mẫn bán vé số vào dịp hè, dù thu nhập không cao (khoảng 6 triệu đồng/ 2 tháng hè) nhưng ít ra cũng đủ để trang trải tiền học phí, tiền mua tập sách cho em và em trai. Năm nay là hè thứ hai Mẫn đi bán vé số. Cũng như những người đồng hương khác, đêm Mẫn ở trọ nhà chủ đại lý, ngày lấy vé số đi bán. Hỏi quãng đường phải đi mỗi ngày, em thú thật: “Em không thể tính được, cứ đi bán đến chiều, còn vé thì trả, hết thì lấy tiếp đi bán đến 22 giờ về nghỉ”.

Được hỏi về ước mơ, Mẫn cười tươi: “Em mơ làm cô giáo tiểu học như người cô họ”. Nói xong, cô bé nheo mắt hỏi ngược lại: “Mà làm cô giáo tiểu học có khó không chú?”. Đoạn em cười phá lên, nụ cười của trẻ con nhưng đầy lạc quan của người lớn.

Ước mơ dang dở

Hạn hán, mưa bão là nguyên nhân khiến mùa màng thất bát, kinh tế gia đình đã khó lại càng khó hơn, con đường học vấn của các em vì thế có thể khép lại vĩnh viễn. Khát khao được đến trường, các em phải tự bươn chải nơi đất khách. Tuy nhiên, ở cái tuổi các em, không phải ai cũng đủ vững vàng trước mọi cám dỗ.

Cứ đến hè, trẻ em ở làng quê miền Trung lại theo người thân, hàng xóm vào Sài Gòn mưu sinh, trong số đó, không ít trường hợp vì “kiếm ra tiền thấy ham” mà bỏ hẳn việc học. Ông Nguyễn Phú Hợi (thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) rầu rĩ nói: “Đến hè tui lại cho thằng con vô Sài Gòn bán vé số. Hồi trước chưa tới ngày nhập học là nó nôn nao đòi về, còn năm rồi, nó chẳng quan tâm tới nữa. Khi tui hỏi thì nó trả lời: “Con ở đây bán vé số luôn, không muốn đi học nữa”. Được biết, nếu còn đi học, năm học 2015-2016 con ông Hợi sẽ vào lớp 7.

Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)