Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không bắt buộc bỏ danh xưng lớp trưởng, lớp phó

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học được chia nhóm theo mô hình VNEN. Ảnh: N.Trinh

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM). Tuy nhiên điều đó không có nghĩa danh xưng chủ tịch, phó chủ tịch là không phù hợp.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, đối với người lớn, khi nghe danh xưng chủ tịch, phó chủ tịch liền nghĩ ngay đến chức, quyền trong xã hội. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng trong nhà trường có phù hợp hay không thì chúng ta nên dựa trên mục đích, kết quả sử dụng chứ không nên dựa vào từ ngữ để đánh giá và áp đặt suy nghĩ của người lớn lên suy nghĩ của trẻ nhỏ.

Chức danh chủ tịch, phó chủ tịch đã được sử dụng 3 năm trong mô hình trường học mới (VNEN). Năm học 2013-2014, tại TP.HCM có Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) tham gia thí điểm toàn phần. Năm học 2014-2015 tăng lên 52 trường; năm học mới 2015-2016 tăng lên 62 trường, và thực hiện từng phần có hơn 100 trường tham gia. Mô hình được tổ chức dưới dạng Hội đồng tự quản, trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch và các ban học tập, quyền lợi, sức khỏe, văn nghệ – thể dục, thư viện, đối ngoại. Những chức danh này không áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, bình bầu, có thể luân phiên.

Có thể thấy, mô hình VNEN đã thay đổi toàn diện hoạt động sư phạm, theo hướng dân chủ hóa, quan tâm nhiều đến vấn đề hình thành năng lực phẩm chất cho học sinh. Hoạt động dạy học không còn diễn ra theo kiểu truyền thụ một chiều giáo viên giảng – trò nghe. Theo đó, giáo viên là người hướng dẫn, gợi ý, học sinh chủ động phát huy năng lực bản thân, tự học chứng minh kiến thức, thẳng thắn phát biểu, trao đổi, không phụ thuộc vào giáo viên. Và hoạt động diễn ra xoay quanh quan hệ hợp tác. Đó là học sinh cùng nhau bàn bạc, trao đổi vấn đề học tập, sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bản thân học sinh khi đã biết phát huy vai trò bản thân sẽ hình thành nên tính tự tin, mạnh dạn.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, danh xưng chủ tịch, phó chủ tịch không làm mất đi sự hồn nhiên trong sáng, và chắc chắn không hình thành suy nghĩ chạy chức, quyền trong suy nghĩ của trẻ nhỏ.

Trong dự thảo điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT vừa đưa ra không bắt buộc các trường bỏ danh xưng lớp trưởng, lớp phó. Theo đó cho phép các trường thực hiện toàn phần, từng phần mô hình VNEN áp dụng danh xưng này. Và việc thực hiện mô hình VNEN hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, thay đổi thói quen là việc làm không dễ, cần phải có thời gian để hoàn chỉnh. Nhìn vào kết quả thực hiện đem lại cho học sinh thì người lớn nên có sự ủng hộ.

N.Trinh (ghi)

Bình luận (0)