Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Nóng” với bệnh viêm màng não ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Tại thời điểm ngày 2-6, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 54 bệnh nhi bị viêm màng não và viêm não.

Nhiều ca “trốn viện”

Tại phòng 108 của Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 2-6 chật kín người. Chị Trương Thúy Hằng cùng con gái là bé Trương Hoàn Châu, 6 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre đã ở đây được hơn một tuần. Theo lời chị Hằng, phòng có 13 giường bệnh, mỗi giường 2 bệnh nhi, phần đông là các bé bị viêm màng não, số ít bị viêm não. Một vài phụ huynh cho biết họ đã đánh liều “trốn viện” hoặc tự ý xin chuyển viện sau khi điều trị ở các bệnh viện địa phương mà tình trạng của con họ không được cải thiện hoặc nặng thêm. Một trường hợp khác là bé Liêu Thảo Xuân, 4 tuổi, ngụ huyện  Mỹ Xuyên, Sóc Trăng có biểu hiện sốt cao trên 390, chân tay không cử động được. Sau 8 ngày điều trị ở Bệnh viện tỉnh Bạc Liêu với chẩn đoán nghi vấn động kinh, tình trạng bệnh của bé Xuân không thuyên giảm mà lại phát sinh thêm nhiều triệu chứng khóc lóc, vật vã, nôn ói, đi cầu. Sốt ruột, chị Nhãn – mẹ bé Xuân quyết định xin chuyển viện nhưng không được bệnh viện đồng ý. Nhưng với quyết tâm của gia đình, sau một hồi dùng dằng giữa hai bên, mẹ con chị Nhãn đã được chấp thuận. Trong 3 ngày nằm Khoa Cấp cứu, bé được truyền sữa và thuốc bằng ống dẫn vào đường mũi và dần phục hồi. Chị C., một phụ huynh ở Tây Ninh cho biết con trai chị bị sốt cao và nôn ói, kết quả xét nghiệm máu ở một bệnh viện tư cho thấy con chị bị sốt nhiễm trùng. Trong khi BS yêu cầu tiếp tục theo dõi điều trị, chị đã lặng lẽ rời bệnh viện tư ôm con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để “không phải hối tiếc về sau”. Sau gần 3 ngày nhập viện, chị C. mừng rỡ vì con chị đã khỏe lại, hết sốt, không còn quấy khóc và đã ăn uống trở lại.

Các bệnh nhi viêm màng não và viêm não đang được điều trị trong Phòng cấp cứu

Cần nhập viện ngay

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viêm màng não và viêm não là bệnh theo mùa và thường xuất hiện trong mùa nắng nóng (mùa lạnh ít hơn). Vì đây là thời điểm virus phát triển mạnh, đồng thời các hoạt động của trẻ trong mùa nắng nóng cũng làm cho trẻ bị giải nhiệt nhiều, ăn uống kém, ngủ kém so với bình thường khiến sức đề kháng của trẻ bị giảm sút. Điều nguy hiểm là thể nặng của viêm màng não và viêm não là hôn mê, suy hô hấp, thậm chí để lại di chứng về sau, hoặc có thể gây tử vong với tỷ lệ khoảng 10%.

Để tránh bệnh diễn biến ở thể nặng, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các biểu hiện sốt cao khoảng 39-400, nhức đầu, nôn ói, là phải nghĩ ngay đến bệnh viêm não, viêm màng não và cho trẻ nhập viện ngay, điều cần thiết là nên điều trị ở bệnh viện lớn từ cấp tỉnh trở lên. Ngoài ra khí trời nắng nóng cũng có thể làm cho trẻ bị sốc nhiệt, nên phụ huynh cần tránh cho trẻ chơi ở nơi quá nắng, tránh ở trần tắm nước dưới trời nắng hoặc tắm quá nhiều.

Theo BS Khanh, các ca trẻ nhập viện bởi viêm màng não và viêm não xuất hiện trong khoảng một tháng nay. Tình hình trẻ nhập viện điều trị năm nay có tăng về số lượng ca bệnh. Điều đáng lưu ý là có một số trường hợp trẻ 11-12 tuổi bị viêm não Nhật Bản, vì không được chích ngừa đủ liều. BS. Khanh lưu ý điểm khác biệt so với các bệnh theo mùa, thì viêm não và viêm màng não có thời gian điều trị lâu, có trường hợp phải nằm viện điều trị vài tuần đến vài tháng.

Bài, ảnh: Bích Vân

Theo BS Khanh, trong trường học, khi giáo viên phát hiện học sinh có các triệu chứng nôn ói, nhức đầu, sốt thì nên báo cho phụ huynh để đưa bé đến bệnh viện kịp thời. Tuy nhiên, biện pháp giúp trẻ phòng ngừa hữu hiệu là nhà trường cần chủ động diệt muỗi, đồng thời nhắc nhở phụ huynh cho con chích ngừa viêm não Nhật Bản, vì viêm não Nhật Bản là một trong những nguyên nhân gây viêm não. 

 

Bình luận (0)