BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Bẵng đi khá lâu, thời gian gần đây Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM xuất hiện khá nhiều trẻ em bị mắc bệnh ho gà. Trẻ em nhập viện thường có tình trạng bệnh rất nặng, nếu không được điều trị kịp thời rất nguy hiểm”.
Ca bệnh nặng
Đây là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây nên và khả năng lây bệnh rất cao thông qua đường hô hấp. BS Khanh cho biết: “Đã có một thời gian dài bệnh không thấy xuất hiện nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện trở lại với những ca bệnh nặng. Khoa liên tục có bệnh nhân phải nhập viện, bệnh nhân phải được theo dõi trong một khoảng thời gian dài”. Chị Nguyễn Ngọc Anh (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Bé Na mới được gần 2 tháng tuổi mà nằm viện cũng đã hơn 20 ngày. Ban đầu thấy bé bị ho rít nên tôi đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai để điều trị nhưng nằm ở đó 10 ngày mà không thấy kết quả gì. Tôi lại chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đến nay cũng được 10 ngày và bệnh có phần thuyên giảm. Mấy ngày trước trong phòng này cũng đông trẻ bị bệnh này lắm nhưng BS cho về nay cũng chỉ còn mấy người đều là bệnh nặng”. Theo BS Khanh: “Trước đây bệnh ho gà thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ em dưới 1 tuổi. Nguyên nhân có thể do một thời gian dài các bậc phụ huynh bỏ chích ngừa vaccine phòng bệnh do đợi đến đợt tiêm dịch vụ. Đây là điều phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, tiêm vaccine từ khi trẻ được 2 tháng tuổi mới có khả năng phòng bệnh tránh tình trạng bỏ quên hoặc phòng bệnh quá muộn”.
Bé Na đã nằm viện 20 ngày để điều trị ho gà. (Ảnh chụp tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) |
Tránh gây biến chứng
Bệnh ho gà thường xảy ra quanh năm, bệnh nhân có miễn dịch bền vững suốt đời, rất hiếm khi mắc bệnh lại. Thời gian ủ bệnh thường từ 7-10 ngày với những cơn ho rít liên tục. |
Bệnh ho gà là bệnh lây nhiễm nhanh nên bệnh có thể trở thành dịch bất cứ khi nào nếu không được chích ngừa và điều trị một cách triệt để. BS Khanh cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong thời gian qua tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 thường có tình trạng bệnh là ho rít liên tục kéo dài có khi trên 10 lần, ho ạc ạc, ho tới mức tím môi thở không nổi. Trẻ bị ho gà điều trị chỉ bớt tím, bớt cơn ho chứ không hết ho ngay được, ho kéo dài sau điều trị cả tháng”. Bệnh để lại rất nhiều các biến chứng nguy hiểm gồm biến chứng về hô hấp như bị viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi – phế quản và biến chứng về thần kinh trong đó viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra có thể gây nên xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác… Chính vì vậy để tránh những biến chứng có thể xảy ra các bậc phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời tránh để tình trạng nặng. BS Khanh nhấn mạnh: “Trẻ bị mắc bệnh ho gà cần được cách ly và điều trị đặc biệt tránh lây lan cho người khác. Vaccine ho gà đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ. Ở nước ta ho gà được xếp vào một trong 6 bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở trẻ em”. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có khoảng 30-50 triệu người mắc bệnh trong đó có khoảng 300.000 người tử vong đa số là trẻ em dưới 1 tuổi và các nước chậm phát triển. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đưa trẻ đi chích ngừa vaccine kịp thời gian, đúng liều lượng để đem lại sức khỏe toàn diện cho trẻ.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo: “Bệnh ho gà rất nặng mặc dù đã được điều trị, bệnh bỗng xuất hiện trở lại đó là hậu quả của một thời gian dài bỏ chích ngừa miễn phí, chờ vaccine dịch vụ. Đây là điều phụ huynh cần đặc biệt lưu ý cần cho trẻ tiêm phòng đúng và đủ để phòng bệnh”. |
Bình luận (0)