TS. Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn cho học sinh lớp 12 trong chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
|
Có khá nhiều điểm thí sinh cần lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhất là với các môn thi trắc nghiệm.
Thí sinh phải chủ động kiểm tra đề thi
Đề cập đến những điều cần lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: Ở các môn thi trắc nghiệm, thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm đã được in sẵn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn. Thí sinh lưu ý phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Ngoài ra, thí sinh phải ghi đủ phần chữ và tô đủ phần số cho số báo danh của mình (6 ô, kể cả các số 0 ở phía trước), đồng thời điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi. Theo quy định, khi thí sinh nhận đề thi, phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình, thí sinh phải chủ động kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề.
Theo quy chế, khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia, ở bất cứ môn thi nào, thí sinh không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi và khi được phép nói, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình. Tuy nhiên, khác với các buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, nhưng khi dự thi môn thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài. Thí sinh không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài và chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép ra về.
Kết quả học bạ ảnh hưởng đến xét tuyển ĐH
Không giống như các năm trước, việc xét tuyển ĐH, CĐ năm nay ít nhiều có liên quan đến kết quả học bạ khi rất nhiều trường sử dụng học bạ là một trong những yếu tố để tuyển sinh. Điều này có nghĩa, kết quả học bạ sẽ có ít nhiều ảnh hưởng tới kết quả xét tuyển của nhiều thí sinh. Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, sẽ có hai dạng sơ tuyển liên quan đến học bạ. Thứ nhất là sơ tuyển cứng – nếu không tham gia sơ tuyển sẽ không được xét tuyển – đó là các trường thuộc khối công an, quân đội. Các trường thuộc khối công an, quân đội sẽ sơ tuyển bằng cách: Thí sinh nộp bộ hồ sơ riêng dành cho các trường này tại ban chỉ huy quân sự quận/huyện. Nếu thí sinh đạt đủ điều kiện sơ tuyển thì mới được phép nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thứ hai, sơ tuyển mềm: Các thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển trực tuyến trước hoặc đến tận trường ĐH, CĐ để nộp bằng hồ sơ giấy. Tuy nhiên đến cuối tháng 7 đầu tháng 8, nếu thí sinh chưa nộp hồ sơ xét tuyển ban đầu vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường. Sơ tuyển của các trường thành viên ĐHQG TP.HCM thuộc dạng sơ tuyển mềm, học bạ trung bình điểm 5 học kì của thí sinh phải đạt 6,5 mới đủ điều kiện để đậu vào trường.
Nhiều xu hướng nghề nghiệp trong tương lai
Đề cập đến nhu cầu thị trường lao động trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng bây giờ có khá nhiều bạn trẻ luôn tìm kiếm những ngành hot, ngành có cơ hội việc làm cao nhưng lại không chú trọng đầu tư các kỹ năng để có thể theo đuổi những ngành đó. Đây là điều khiến nhiều công ty, nhất là các công ty nước ngoài đánh giá không cao khả năng làm việc của người Việt Nam, khiến nhiều bạn trẻ phải trải qua thời gian thử thách làm việc khá lâu và chỉ được nhận vào làm chính thức khi họ cho rằng kỹ năng và khả năng làm việc của các bạn đáp ứng được nhu cầu công việc. “Trong tương lai, việc làm chúng ta đang mở ra bốn xu hướng mới: Xu hướng các doanh nghiệp đi tuyển dụng, các doanh nghiệp đang tái cấu trúc và phát triển nên có rất nhiều cơ hội việc làm. Xu hướng người lao động sẽ tự tạo ra việc làm, đứng lên khởi nghiệp, giúp bản thân có cơ hội phát triển, đồng thời giúp đỡ được cho nhiều người khác. Xu hướng nhiều công ty nước ngoài sẽ mở tại TP.HCM nên cơ hội việc làm cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Đông Âu khá cao. Xu hướng cuối cùng là thị trường ASEAN nên tiềm năng và cơ hội phát triển rất cao. Dù là xu hướng nào thì nguồn nhân lực đều cần khá nhiều, tính cạnh tranh cũng rất cao nên các em phải chủ động nắm bắt và trang bị kỹ năng để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của công việc”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Thí sinh cần lưu ý là điểm các bài thi năm nay vẫn lấy theo thang điểm 10 và lấy đến 0,25, nhưng sẽ không được làm tròn điểm trên tổng từng bài thi cũng như tổng hợp từng môn thi khi xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhắc nhở. |
Bình luận (0)