Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Vượt khó những tuần đầu du học

Tạp Chí Giáo Dục

Du học 3-4 năm ở một đất nước xa lạ không phải là điều dễ dàng, nhất là với những bạn trẻ lần đầu tiên xa gia đình. Chưa nói đến quá trình học tập sau này, chỉ riêng việc làm sao để tồn tại qua 1-2 tuần đầu cũng là chuyện “dở khóc dở cười” của nhiều bạn trẻ.

Ăn rẻ: Không khó

Trong một buổi trao đổi kinh nghiệm về du học Mỹ với học sinh – sinh viên tại TP.HCM, Ngô Nhất Tài (sinh viên Trường Texas Christian University) khẳng định: Nỗi khiếp sợ đầu tiên đối với nhiều du học sinh Việt Nam chính là chuyện ăn uống. Hồi còn ở nhà, tôi không mấy chú tâm vào chuyện nấu nướng nên khi qua Mỹ du học, tôi đinh ninh rằng mình có thể “sống sót” nhờ vào phiếu ăn vốn được thiết kế theo dạng buffet, có thể ăn hoài mà không ngán. Nhưng sự thật thì tôi chỉ ăn được đúng một tuần, sau đó phải chuyển qua… ăn mì tôm. Đến lúc đó tôi mới nhận thấy lời khuyên nên mang theo mì tôm khi du học từ những anh chị đi trước có giá trị như thế nào.

“Khi cơ thể không thể tiếp nhận mì tôm thêm được nữa thì tôi buộc phải ra chợ mua thực phẩm và phát hiện ra là có thể mua đồ ăn với giá rất rẻ, thậm chí còn rẻ hơn ở Việt Nam. Nếu chịu khó đi chợ và nấu nướng tôi sẽ tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Tuy nhiên, vì lười nấu nướng, lại không khéo léo trong chuyện bếp núc nên tôi vẫn luôn ưu tiên phương án ra siêu thị mua thức ăn làm sẵn và lúc nào muốn ăn thì chỉ cần bỏ vào lò vi sóng”, Tài kể lại.

HS phổ thông tìm hiểu thông tin tại một ngày hội du học tổ chức ở TP.HCM

Chia sẻ thêm về chuyện bếp núc, Tài cho biết ngoài đồ ăn rẻ, những sinh viên khi đi chợ tại Mỹ sẽ có cơ hội tiết kiệm hơn nếu biết tận dụng các tờ rơi giảm giá hoặc dùng thẻ thành viên. Nếu khéo léo và may mắn, có khi bạn chỉ tiêu hơn 100 USD/tháng mà bữa ăn vẫn đầy đủ thịt, trứng, sữa. “Khi “ngặt nghèo” quá, một số bạn cũng có thể tìm đến các địa chỉ Food Bank (ngân hàng thực phẩm) gần nhất để nhận đồ ăn miễn phí. Chỉ cần trình ID (chứng minh nhân dân), bạn sẽ được phát thực phẩm đủ ăn cả tuần mà không bao giờ sợ đói. Tuy nhiên, Food Bank là nơi chỉ dành cho người nghèo, vô gia cư, thanh niên có sức khỏe rất ít người vào đây, vì vậy, chỉ khi nào bí quá thì các bạn mới nên tìm tới đây”, Tài chia sẻ thêm.

Tự “thoát” khỏi vỏ bọc

Nguyễn Thị Mai Thy (sinh viên Trường Minerva Schools at KGI) đã chia sẻ về kỷ niệm khiến bạn phải thức-tỉnh-bản-thân trong những ngày đầu theo học tại trường. Cụ thể, khi mới qua Mỹ, Thy chỉ tập trung vào việc học và rất ngại giao tiếp với người ngoài. Cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh trường học và bốn bức tường của căn phòng trọ. Trong một lần từ trường về nhà, thẻ xe của Thy hết tiền và bạn phải nạp tiền vào thẻ tại một trạm tàu điện ngầm. Tuy đã làm mọi cách theo hướng dẫn nhưng Thy vẫn không nạp được tiền vào thẻ, trong khi đó trời sắp tối và bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng thì một người vô gia cư đã đến giúp đỡ. “Lúc đó, tôi rất muốn cảm ơn ông ấy nhưng trên người không còn tiền, chỉ có duy nhất tấm thẻ xe để đi về nhà nên tôi vô cùng lúng túng. Có vẻ như biết được điều này, người vô gia cư đó đã bảo tôi nên về nhà kẻo trời tối và không cần phải cảm ơn vì đây là chuyện nhỏ. Sau sự việc lần đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều: Tại sao người vô gia cư không có gì trong tay lại sẵn sàng giúp đỡ người lạ mà không cần báo đáp, trong khi đó mình có học bổng được cho đi học lại không dám ra ngoài mà chỉ “trốn” trong phòng trọ. Vậy là tôi lên kế hoạch sau giờ học phải dành ít nhất 2 giờ ra ngoài đi dạo và làm quen với bạn mới, nhờ vậy mà tôi bắt đầu tự tin và dạn dĩ hơn trong các mối quan hệ”.

Đừng sống quá “thoáng”

Vũ Khánh Như (sinh viên Trường Swarthmore College) mang đến buổi chia sẻ kinh nghiệm một chi tiết rất thiết thực, bổ ích cho những bạn trẻ sắp du học. Như cho rằng một trong những yếu tố khiến du học sinh Việt Nam nhanh chóng quên đi nỗi nhớ nhà trong những ngày đầu là xung quanh luôn có nhiều cái mới, nhất là với những bạn mới lần đầu “thoát” khỏi sự quản lý của gia đình. “Môi trường mới, bạn bè mới sẽ cho các bạn nhiều trải nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, bạn đừng nên có suy nghĩ phải kết thân với nhiều bạn ngay từ tuần đầu tiên. Đã có nhiều du học sinh vướng phải điều này và ngay sau đó buông thả mình trong những bữa tiệc thâu đêm với rượu bia, thuốc lắc, đời sống tình dục… cùng những người bạn mới. Vì vậy, du học sinh đừng vội vàng quen nhiều bạn mới ngay trong những tuần đầu tiên, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người tốt thật sự phù hợp trong thời gian học tập và sinh hoạt sau này. Cảm giác cô đơn, lạc lõng những ngày đầu là điều mà ai cũng gặp phải, tuy nhiên, bạn có thể khỏa lấp bằng việc tìm hiểu môi trường xung quanh, tìm hiểu các thông tin về trường lớp, chỗ ở, văn hóa địa phương…”, Khánh Như khuyên.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Cảm giác cô đơn, lạc lõng những ngày đầu là điều mà ai cũng gặp phải, tuy nhiên, bạn có thể khỏa lấp bằng việc tìm hiểu môi trường xung quanh, tìm hiểu các thông tin về trường lớp, chỗ ở, văn hóa địa phương…

 

Bình luận (0)