Một bài văn đạt điểm cao đòi hỏi tổng hòa nhiều yếu tố. Sau đây là một vài hướng dẫn cụ thể.
Thí sinh làm bài thi môn văn tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong kỳ tuyển sinh năm 2010. Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
Đối với câu hỏi thuộc bài: Cần trả lời chính xác, ngắn gọn. Không quá chú trọng vào việc dùng câu chữ cầu kỳ, diễn đạt văn hoa, bóng bẩy… Nội dung chính nên trả lời theo hình thức gạch đầu dòng để phân tách ý rành mạch. Hệ thống ý phải đồng đẳng. Tuy nhiên cũng cần câu mở có tính chất giới thiệu, câu kết có vai trò đánh giá để phần trả lời thực sự hoàn hảo.
Đối với câu nghị luận xã hội: Trước hết là giải thích vấn đề (hoặc khái niệm), sau đó phân tích mở rộng, nâng cao, liên hệ thực tế, bản thân. Bên cạnh lý lẽ phải có dẫn chứng. Các dẫn chứng cần hay, phù hợp. Dẫn chứng chủ yếu từ thực tiễn, những dẫn chứng từ tác phẩm văn chương có thể sử dụng với dung lượng hạn chế. Nghị luận xã hội cũng rất cần yếu tố cảm xúc, tức là thái độ và tình cảm của chúng ta đối với vấn đề đang bình luận, bàn bạc. Câu nghị luận xã hội phải viết thật chững chạc, quan điểm rõ ràng, tích cực.
Đối với câu nghị luận văn học: Nếu là văn xuôi, cần xác định rõ đề bài hỏi vấn đề gì của tác phẩm: Nhân vật nào? Đoạn tác phẩm nào? Nội dung gì? Tập trung trả lời thẳng vào vấn đề cụ thể đó. Tránh bàn tràn lan về cả tác phẩm, tránh kể chuyện.
Thí sinh phải nắm vững nội dung, tình tiết câu chuyện, thuộc những câu chữ tiêu biểu, đắt giá. Nếu là thơ, ngoài việc phân tích nội dung cần chú ý các yếu tố nghệ thuật như cách dùng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, hình thức câu thơ…
Thí sinh phải gắn tác phẩm với hoàn cảnh ra đời, không khí thời đại. Cái nhìn đó sẽ giúp các em lý giải tác phẩm đúng đắn, có cơ sở hơn. Trong hoàn cảnh (cá nhân, thời đại) như thế, tác giả mới đặt vấn đề, giải quyết vấn đề như vậy.
Đảm bảo những thao tác trên, thí sinh có một bài văn viết đúng. Song, để đạt điểm cao còn cần viết hay. Cái hay của một bài văn được tạo ra bởi những suy nghĩ sâu sắc, cảm xúc chân thành. Khi viết phải nhập hồn vào tác phẩm, bắt đúng vào mạch tác phẩm.
Những suy nghĩ và cảm nhận đó lại phải được sắp xếp theo một hệ thống rành mạch, chặt chẽ. Cái hay của bài văn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố diễn đạt. Hành văn trôi chảy; câu, từ phải chính xác, đích đáng và đẹp đẽ.
TS Đinh Phan Cẩm Vân
Giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)