Chỉ 5 ngày sau khi ra mắt, iOS 8, phiên bản mới nhất của hệ điều hành điện thoại thông minh và máy tính bảng của Apple, hiện đã và đang chạy trên 46% số lượng thiết bị đang hoạt động của hãng trên toàn cầu.
iOS 8 được tung ra vào ngày 17/9 dưới dạng phần mềm tải về dành cho chủ sở hữu iPhone từ 4S trở lên, và là hệ điều hành tiêu chuẩn của hơn 10 triệu chiếc iPhone 6 và 6 Plus được bán ra vào thứ Sáu vừa qua. Hiện tại, về độ phổ biến, iOS 8 chỉ kém iOS 7 (49%).
(Nguồn: tnoz.com)
Cách đây chỉ 2 tuần, 90% số lượng iPhone và iPad đang được sử dụng vẫn còn đang chạy hệ điều hành iOS 7. Điều này cho thấy những người sở hữu các mẫu iPhone cũ như 3GS hoặc 4, hay người dùng Android muốn đổi điện thoại đã nhanh chóng sắm cho mình những chiếc iPhone 6.
Apple thường bị chỉ trích, chủ yếu là bởi những người dùng ưa thích hệ điều hành Android của Google, về sự kiểm soát của hãng này đối với phần mềm, phần cứng và ứng dụng của các thiết bị. Tuy nhiên, bằng cách kiểm soát mọi khía cạnh của iPhone và iPad, từ các linh kiện bên trong cho tới giao diện, cảm nhận và cách thức hoạt động của phần mềm và các ứng dụng, Apple có thể đảm bảo rằng bất kỳ ai sở hữu thiết bị của hãng cũng có được trải nghiệm tốt nhất có thể.
Để so sánh, KitKat – phiên bản mới nhất của Android, ra mắt vào tháng 10 năm 2013 vẫn chỉ chạy trên 24,5% số điện thoại và máy tính bảng Android, mặc dù đã có mặt trên thị trường tới 11 tháng. Hơn nữa, KitKat lại sắp được thay thế bởi phiên bản ‘L,’ dự kiến sẽ được tung ra vào tháng tới.
Nhưng tại sao tất cả những điều này lại quan trọng đối với người tiêu dùng? Câu trả lời đơn giản nằm ở sự phân mảnh. Phân mảnh càng ít – tức là số lượng những phiên bản khác nhau chạy trên những thiết bị khác nhau càng ít thì càng dễ dàng hơn cho các nhà phát triển (dù là các cá nhân hay các công ty lớn như Facebook) trong việc tạo ra các ứng dụng hoạt động tốt trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng, đồng thời tận dụng tối đa khả năng của thiết bị./.
My Nguyễn
(Vietnam+)
Bình luận (0)